Lúc 20 giờ 7 phút (giờ ET), tên lửa Falcon Heavy thuộc công ty SpaceX đã rời khỏi bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), mang theo phi thuyền không gian X-37B của quân đội Mỹ lên độ cao chưa từng có. Tuy nhiên vẫn chưa rõ chính xác phi thuyền này sẽ đi đến đâu trong không gian.
Từ lâu, các hoạt động của X-37B trong không gian đã trở thành chủ đề thu hút và được bàn tán sôi nổi trong cộng đồng đam mê nghiên cứu vũ trụ, được các nhà nghiên cứu nghiệp dư đua nhau theo dõi tung tích và chia sẻ giả thuyết về hoạt động của nó.
Giống như một tàu con thoi thu nhỏ của NASA với các cửa sổ được che kín, X-37B có thể tái sử dụng và hoạt động tự động hoàn toàn. Phi thuyền được biến đến với mục đích thực hiện nghiên cứu về các khái niệm như truyền điện mặt trời từ không gian về Trái đất, hay tác động của bức xạ lên các hạt giống lương thực được trồng ngoài Trái đất.
Sứ mệnh lần này, cũng là chuyến đi vào vũ trụ thứ 7 của phi thuyền X-37B, hứa hẹn sẽ còn mang lại nhiều kết quả hấp dẫn hơn những chuyến bay trước đó.
Chuyến bay vào vũ trụ “xa hơn bao giờ hết”
Đây là lần đầu tiên X-37B được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX, một trong những tên lửa hoạt động mạnh nhất thế giới, có khả năng đưa phi thuyền lên quỹ đạo cao hơn bao giờ hết.
Trước đó, X-37B đã được phóng trên phương tiện SpaceX Falcon 9 và tên lửa Atlas V do United Launch Alliance – một liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing chế tạo. Lực đẩy của hai tên lửa này cộng lại thậm chí nhẹ hơn lực đẩy của tên lửa Falcon Heavy.
Ông Paul Graziani, Giám đốc điều hành của COMSPOC, một công ty chuyên theo dõi các vật thể trong không gian, cho rằng việc X-37B được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy có thể đưa phi thuyền đến các quỹ đạo xa hơn, thậm chí có thể tới Mặt trăng hoặc sao Hỏa. Nếu X-37B di chuyển sâu hơn vào vũ trụ so với các chuyến bay trước đó, những nhà quan sát từ Trái đất sẽ khó có thể xác định vị trí của phương tiện.
Theo ông Graziani, nếu quân đội Mỹ không muốn X-37B bị theo dõi, phương tiện này có thể được giấu dưới ánh nắng chói chang của Mặt trời hoặc bằng nhiều cách khác, bao gồm cả việc thay đổi vị trí thường xuyên. Trong các chuyến bay trước đây, X-37B đã chứng minh được khả năng thực hiện nhiều thao tác trong không gian.
Công ty COMSPOC sẽ cố gắng xác định vị trí X-37B trong trường hợp phi thuyền này di chuyển vào quỹ đạo không đồng bộ địa lý, nơi cách Trái đất khoảng 36.000km và hầu hết các vệ tinh thông tin liên lạc lớn không hoạt động. Ông Graziani và Giám đốc tích hợp hoạt động Bob Hall của công ty cho biết đây là nơi công ty tập trung các cảm biến để theo dõi các vệ tinh.
Đổi mới công nghệ vũ trụ
Tướng Chance Saltzman, tư lệnh Lực lượng không gian Mỹ, tuyên bố X-37B sẽ giúp Mỹ thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu về hoạt động không gian đang và sắp diễn ra, cũng như các thí nghiệm “vượt ranh giới”.
Các thí nghiệm này bao gồm Seeds-2, một thí nghiệm của NASA nhằm giúp các phi hành gia sinh tồn trong các sứ mệnh không gian lớn hơn trong tương lai. Thí nghiệm này sẽ “cho hạt giống cây trồng tiếp xúc với môi trường bức xạ khắc nghiệt của các chuyến bay vũ trụ thời gian dài” và được xây dựng dựa trên nghiên cứu được thực hiện trong các sứ mệnh trước đây của X-37B.
Trồng lương thực trong môi trường khắc nghiệt, không có đất ngoài vũ trụ là điều rất quan trọng đối với các phi hành gia thực hiện sứ mệnh dài ngày trên Mặt trăng hoặc xa hơn, ví dụ như những nơi khó cung cấp nguồn thực phẩm mới.
Về sứ mệnh lần này, không rõ phi thuyền vũ trụ X-37B sẽ ở lại quỹ đạo trong bao lâu. Trước đó, mỗi chuyến bay của X-37B đều dài hơn các chuyến bay trước.
Chuyến bay cuối cùng vào vũ trụ của X-37B tự hành đã kết thúc vào tháng 11/2022 sau gần 909 ngày liên tục trong không gian. Trong sứ mệnh thứ sáu đó, phi thuyền không gian mang theo công nghệ thử nghiệm do Hải quân Mỹ thiết kế để chuyển đổi năng lượng mặt trời và truyền trở lại Trái đất.
X-37B đã trải qua hơn 3.700 ngày trên không gian cho các nhiệm vụ không người lái khác. Khi quay trở lại Trái đất, phi thuyền sẽ hạ cánh trên đường băng, giống như một chiếc máy bay từ trên trời lao xuống.
Ngọc Ánh (theo NASA, CNN, Reuters)