Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành thảo luận về nội dung này, thể hiện rõ cam kết trách nhiệm của Quốc hội trước cử tri và nhân dân. Phiên thảo luận đã được cử tri, nhân dân theo dõi và đánh giá cao.
Chia sẻ với phóng viên bên lề Kỳ họp, Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cho biết, qua theo dõi của Ban Dân nguyện cho thấy trách nhiệm giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua có trách nhiệm rất cao.
Theo Đại biểu, tỉ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng tăng, tỉ lệ trả lời gần như 100%, việc giải trình, tiếp thu và giải thích cho cử tri cũng chiếm tỉ lệ cao. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác này. Văn phòng Chính phủ cũng đã rất khẩn trương để tiếp tục trả lời toàn bộ đối với những kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Hoàng Anh Công nêu rõ, trong thời gian vừa qua, vấn đề giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là sự đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt, thể hiện tác động tích cực của công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Anh Công cũng cho biết, trong thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có Ban Dân nguyện đã được quan tâm sát sao. Trong quá trình xem xét, giám sát, Ban Dân nguyện đặc biệt quan tâm tới các vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân và các vụ việc đã xảy ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết thấu đáo khiến người dân không đồng tình.
Theo Đại biểu, trong chương trình giám sát hàng năm, đặc biệt là trong năm 2023 đến năm 2024, Ban Dân nguyện sẽ tập trung trọng điểm giám sát những vụ việc phức tạp, kéo dài và giám sát trách nhiệm người đứng đầu của Ủy ban nhân dân các cấp liên quan, kể cả lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan đến công tác này để giải quyết kiến nghị của cử tri một cách thấu đáo, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật.
Phản ánh tình trạng đơn thư kiến nghị, khiếu nại vượt cấp, Đại biểu Hoàng Anh Công cho biết, nhiều đơn thư của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, nhưng vẫn được tập hợp gửi các cơ quan ở Trung ương, rồi các cơ quan Trung ương lại gửi về địa phương để nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Tình trạng đã được đề cập trong báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn 5 năm và đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
“Hiện nay, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tình trạng “vòng vo”, cấp trên chuyển xuống cấp dưới, cấp dưới lại chuyển ngược lại cấp trên hoặc các cơ quan khác, dẫn đến một số vụ việc chưa được giải quyết thấu đáo, dứt điểm”, Đại biểu Hoàng Anh Công nhấn mạnh.
Theo Đại biểu, đây là vấn đề sẽ được tập trung sâu để nghiên cứu, xem xét, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Đối với các vụ việc không giải quyết đầy đủ trách nhiệm theo luật định, Ban Dân nguyện sẽ kiến nghị để có biện pháp xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhân dân, đối với công việc được phân công.
Các đại biểu dân cử, đặc biệt là các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã không chỉ dừng lại việc chuyển kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền, mà còn đi sát, theo dõi, đôn đốc, giám sát trực tiếp và có những kiến nghị cụ thể, chỉ rõ địa chỉ, chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân có thẩm quyền. Chất lượng của công tác giám sát ngày càng nâng cao, đã tạo được chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc được giải quyết thấu đáo và được người dân đồng tình.
Đại biểu Hoàng Anh Công nêu rõ: “Tiếp tục những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ làm tốt hơn nữa công tác giám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như mong mỏi của cử tri”.