Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách và các hoạt động cụ thể thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) tại địa phương; đặc biệt là nỗ lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng phục vụ CĐS, triển khai đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như cuối năm 2022, tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng CĐS tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Các hạng mục được thiết kế nhằm bảo đảm dịch vụ hạ tầng và dịch vụ an toàn bảo mật 8 lĩnh vực đô thị thông minh: Quản lý quy hoạch đô thị; An ninh, an toàn; Tài nguyên môi trường; Du lịch; Giáo dục; Y tế; Giao thông; Nông nghiệp. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Người dân được tư vấn các dịch vụ số tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025. |
Trước đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Đắk Lắk cũng được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2020. Hiện, trục liên thông văn bản tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và liên thông đến 100% các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước, kết nối với nhiều hệ thống, cơ sở dữ liệu của Trung ương.
Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng các phần mềm phục vụ việc tạo lập, cập nhật các cơ sở dữ liệu; kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân đang được hoàn thiện, giúp công dân chủ động quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử của cá nhân trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh bảo đảm phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.
Đắk Lắk cũng đã dành nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển thúc đẩy ĐMST. Minh chứng rõ nhất là tỉnh đã đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ một số nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế và xây dựng hệ thống truyền thông radio số đồng nhất ba cấp phục vụ đổi mới công nghệ thông tin, truyền thông tại tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, tỉnh đã thành lập Trung tâm ĐMST tỉnh Đắk Lắk là nơi hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương nâng cao năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Giám sát các dịch vụ tại Trung tâm Điều hành thông minh của VNPT Đắk Lắk. |
Quan tâm phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngày 7/12/2023, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND quy định chính sách ưu đãi, tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP. Buôn Ma Thuột. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.
Với những nỗ lực tích cực, trong bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) cả nước năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 50, tăng 2 bậc so với năm 2023. Dù chưa được như kỳ vọng nhưng kết quả trên cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc tập trung các giải pháp xây dựng, thúc đẩy thực thi hiệu quả các chính sách và tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN, ĐMST ở địa phương.
Để tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Trong Chương trình số 61-CTr/TU, ngày 25/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tỉnh xác định: nhiệm vụ đột phát phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là yếu tố quyết định phát triển tỉnh Đắk Lắk nhanh, bền vững để trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, đạt trình độ phát triển trung bình trong nhóm dẫn đầu cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2050.
Theo đó, tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển và đặt mục tiêu, đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế phấn đấu mức 42% trở lên, quy mô kinh tế số tối thiểu 30% GRDP của tỉnh, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%...
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202504/tao-xung-luc-moi-cho-doi-moi-sang-tao-0a212bf/
Bình luận (0)