Trong bức tranh chung nền kinh tế của tỉnh, một số chỉ tiêu “xương sống” vẫn còn những gam màu chưa sáng. Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trên 8%, Đắk Lắk đề ra kế hoạch giá trị tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt 68.425 tỷ đồng.
Đến hết quý 1/2025, toàn tỉnh thực hiện đạt trên 12.706 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng mới chỉ đạt 18,57% so với kế hoạch.
Như vậy, trong 9 tháng còn lại của năm nay, toàn tỉnh phải thực hiện giá trị tổng sản phẩm trên 55.718 tỷ đồng. Một số trụ cột tăng trưởng, chỉ tiêu “xương sống” của nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến giá trị tổng sản phẩm của tỉnh trong những tháng đầu năm.
Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nhưng trong 3 tháng đầu năm 2025, số DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh vẫn nhiều hơn số DN thành lập mới. Cụ thể: trong quý 1/2025, toàn tỉnh có 382 DN thành lập mới (tăng 9,1% so với cùng kỳ nhưng cũng mới chỉ bằng 12% kế hoạch năm 2025), với tổng vốn đăng ký 11.600 tỷ đồng, tăng 259% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, toàn tỉnh lại có đến 60 DN giải thể và 545 DN tạm ngừng kinh doanh (tăng 14,8% so với cùng kỳ). Đây là những con số "biết nói", thể hiện rõ những khó khăn mà các DN đang phải đối mặt.
Sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu tại nhà máy của Simexco DakLak. |
Nhận định những nguyên nhân của tình trạng trên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề vay vốn. Hiện nay các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó thế chấp để vay vốn tín dụng. Bên cạnh đó, hiện nay các cơ chế, chính sách của Nhà nước vẫn còn những điểm nghẽn, vẫn còn cơ chế "xin - cho", thủ tục hành chính rườm rà… Điều này đã gây cản trở rất lớn cho DN. Ngoài ra, tàn dư của đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề về biến động kinh tế, chính trị trên thế giới cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến "sức khỏe" của DN.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 8%, năm 2025, tỉnh ta đề ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.860 triệu USD. Tuy nhiên, trong quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới chỉ đạt 510 triệu USD, bằng 27,4% kế hoạch, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Theo phân tích của Sở Công Thương, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm là do thời gian qua, kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, các mặt hàng chính như cà phê nhân xô, hạt tiêu lượng tồn kho không còn nhiều như cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng đến số lượng xuất khẩu. Cụ thể, lượng cà phê nhân xô giảm trên 24.000 tấn, hạt điều giảm 1.134 tấn, hồ tiêu giảm 937 tấn, cao su giảm 42 tấn…
Dự án điện gió ở xã Ea Nam, huyện Ea H'leo. Ảnh: Nguyễn Gia |
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là một trong những DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nhưng trong quý 1 năm 2025, lượng xuất khẩu cà phê của công ty mới hơn 33.000 tấn, giảm 44% so với cùng kỳ. Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Simexco DakLak cho biết, ngoài những khó khăn do biến động của nền kinh tế, chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ với các nước đang đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng DN. Bởi Hoa Kỳ là một thị trường tiêu thụ nhiều hàng hóa của Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng chủ chốt, có giá trị gia tăng cao. Vì vậy việc tăng thuế không chỉ ảnh hưởng đến các ngành hàng mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, hoạt động của các DN và việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn một phần do tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của các huyện, thị xã, thành phố chậm so với quy định và yêu cầu của UBND tỉnh.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện là một trong những căn cứ để thực hiện thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục đất đai của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh theo quy định của pháp luật đầu tư và các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Minh Huấn cho biết, mặc dù UBND tỉnh đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo nhưng thời điểm tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2025 nằm trong thời điểm giao thời của Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024; thời điểm hiệu lực thi hành của Luật Đất đai năm 2024 được đẩy lên sớm hơn 4 tháng so với quy định, trong khi đó, các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành gấp và chậm dẫn đến các địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện. Hơn nữa, các đơn vị chưa thực sự chủ động, thiếu quyết liệt, còn có tâm lý chờ đợi UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, trong khi đã có văn bản hướng dẫn.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/truoc-nhung-gam-mau-chua-sang-b6219c1/
Bình luận (0)