Kinhtedothi – Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với nhiều chính sách thù vượt trội. Có hiệu lực từ 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 là bệ phóng thể chế, gỡ các điểm nghẽn để Hà Nội tạo đà phát triển bứt phá trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kỳ vọng về một Thủ đô phát triển xứng tầm
Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước. Luật Thủ đô 2024 được thông qua mang đến những kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng mong mỏi của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai. Thời gian qua, nhằm hoàn thiện “bệ phóng” thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, UBND TP đã đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống.
Ngày mai (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực. Bộ luật gồm 7 chương, 54 điều với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Là thành viên Tổ Biên tập Luật Thủ đô 2024, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho hay, Luật có nhiều điểm mới quan trọng như tổ chức chính quyền đô thị được quy định thành một chương, với rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan T.Ư cho TP Hà Nội. Đồng thời, Luật quy định cơ chế đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD); các chính sách về y tế và an sinh xã hội; chính sách về phát triển khoa học công nghệ; phát triển nông thôn; quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Cùng với đó, Luật tiếp tục bổ sung các cơ chế đã có sẵn về tài chính như: huy động nguồn lực về tài chính và quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông…
Triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội. TP đã chuẩn bị kỹ lưỡng với các kế hoạch cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ cho từng cơ quan, đơn vị. Việc rà soát, xây dựng văn bản chi tiết để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 được UBND TP chủ động triển khai rất sớm. Sau khi Luật được công bố, trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát từng lĩnh vực để xác định nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, xem xét bổ sung, bãi bỏ các văn bản, bảo đảm đồng bộ hóa, tránh xảy ra chồng chéo, xung đột giữa các quy định của Luật Thủ đô 2024 với các quy định đã được ban hành trong những năm qua.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
“Nội dung rất quan trọng là phát triển văn hóa Thủ đô, phát huy tính đầu tàu của Thủ đô, đó là nội dung về liên kết vùng, quy định cho Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan và đầu tư ra các tỉnh xung quanh… Đây là những nội dung thể hiện rõ chính sách Thủ đô là đầu tàu của vùng cũng như cả nước để thu hút các nguồn lực phát triển” – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh thông tin.
Phân cấp, phân quyền, tạo thể chế đột phá
Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá; có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thể quyết định những vấn đề liên quan với những điều kiện đặc thù. Những điều khoản được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô theo phương hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật. Trong đó, có điều riêng quy định về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), nhằm tạo cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội cho Hà Nội phát triển: trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô; trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay về việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó…
“Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội so với các thể chế hiện hành chung, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Quy định về áp dụng Luật Thủ đô là hoàn toàn mới và khác với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật Thủ đô là luật đặc thù từ phân cấp, phân quyền, đặc thù từ cơ chế, chính sách, khác với các Luật khác. Luật Thủ đô được quyền khác với Luật khác và không chịu ràng buộc bởi các Luật khác” – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh thông tin.
Đánh giá cao các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đã được đề cập trong Luật Thủ đô 2024, Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, đây thực sự là các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô. Bên cạnh đó, một loạt nội dung liên quan cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư, nhất là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, nổi bật là mạng lưới đường sắt đô thị mà trong Nghị quyết 98/2023/QH15 đã nêu ra nhưng chưa cụ thể được.
Ngày 31/12, tại Sân khấu quảng trường phố Sách Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Talkshow “Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô” vào thời điểm ngay trước ngày Luật chính thức có hiệu lực với sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn để tuyên truyền tới các cấp, ngành, Nhân dân về những quy định mới của Luật, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Các chuyên gia đánh giá, Luật Thủ đô 2024 đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp TP có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường. Luật Thủ đô 2024 là “cơ hội vàng”, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô. Để việc thi hành Luật Thủ đô 2024 đem lại hiệu quả, không chỉ là nhiệm vụ chung của TP, mà là nghĩa vụ của mỗi người để góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng “văn hiến – văn minh – hiện đại”.
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27/11, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại là trách nhiệm của cả nước mà trước hết là vinh dự và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành T.Ư cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, phối hợp chặt chẽ với
Hà Nội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024 và các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP, sáng rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tao-the-che-hien-thuc-hoa-khat-vong-vuon-minh.html