Phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững
Trong Luật Thủ đô 2024, phát triển nông nghiệp, nông thôn được quy định tại Điều 32; Điều 42; khoản 2, điểm e khoản 1; khoản 5 Điều 43.
Đây là nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012. Thể chế hoá các nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TW, Luật Thủ đô 2024 quy định mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn như sau: “Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững; chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế – xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao” (khoản 1 Điều 32).
Luật Thủ đô 2024 quy định nhiều chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Thủ đô. Cụ thể: Luật giao quyền cho HĐND TP quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.
HĐND TP quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp đối với các lĩnh vực gồm: giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm; hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản; phát triển các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế tập thể, làng nghề, làng có nghề và các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (khoản 2 Điều 32).
Quy định này nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao và công nghệ quản lý tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời bảo tồn và phát huy được bản sắc nông thôn, truyền thống văn hóa và các làng nghề; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Luật phân quyền mạnh mẽ cho TP quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, sử dụng đất kết hợp đa mục đích trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: Trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái (khoản 1 Điều 32).
Luật giao HĐND TP quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, loại công trình và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (điểm b khoản 3 Điều 32); UBND TP có thẩm quyền quyết định cấp phép xây dựng các công trình để phục vụ trực tiếp việc sản xuất nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (khoản 4 Điều 32).
Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn về việc xây dựng trên đất nông nghiệp đối với một số hoạt động về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với các hoạt động thương mại, dịch vụ; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuât nông nghiệp…
Cùng với đó, sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê: Luật giao HĐND TP quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan (điểm a khoản 3 Điều 32); UBND TP quyết định cho phép sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê (khoản 4 Điều 32).
Quy định này nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích bãi sông, bãi nổi trên địa bàn TP, trong đó tập trung cho hướng phát triển nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để đem lại giá trị kinh tế cao, tránh lãng phí, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Về áp dụng ưu đãi đầu tư: áp dụng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển làng nghề truyền thống (khoản 1, 2 Điều 43).
Về thu hút nhà đầu tư chiến lược: thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP (điểm a, b khoản 1 Điều 42). Nhà đầu tư chiến lược có các quyền, quyền lợi và nghĩa vụ quy định tại Điều 42 và được hưởng các ưu đãi quy định tại khoản 5 Điều 43.
Tiền đề để tăng tốc, bứt phá
Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng là “chìa khóa”, gỡ vướng trong phát triển nông nghiệp của Hà Nội hiện nay.
Theo TS Cao Đức Phát – nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Luật Thủ đô 2024, đã mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả, cần có các quy định chi tiết và cụ thể hơn nhằm tháo gỡ những tồn tại kéo dài, thúc đẩy các xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hà Nội hiện có diện tích đất nông nghiệp lớn với 196.626 ha vào năm 2023, bao gồm cả đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng lúa, cây lâu năm và diện tích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần, trong khi tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu nhờ chuyển dịch cơ cấu và tăng giá trị gia tăng thay vì tăng diện tích.
Luật Thủ đô 2024 đã cho phép TP chủ động ban hành các chính sách phát triển ứng dụng công nghệ cao, thậm chí vượt trội hơn chính sách chung của cả nước. Tuy nhiên, cần có những quy định rõ ràng để đảm bảo việc áp dụng công nghệ cao và công nghệ số đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội một cách rộng rãi và bền vững.
Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp đô thị cũng là một xu hướng quan trọng mà Hà Nội cần thúc đẩy. Nông nghiệp đô thị không chỉ góp phần cung cấp lương thực cho các khu vực đông dân mà còn có vai trò trong việc tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho cư dân đô thị.
Hiện tại, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Hà Nội chưa phân biệt rõ ràng giữa các khu vực, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng thực tiễn tại từng địa phương. Luật Thủ đô 2024 có thể là cơ sở pháp lý để TP điều chỉnh lại bộ tiêu chí này, nhằm phản ánh đúng xu hướng phát triển của từng vùng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt là công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn cho người dân, Luật Thủ đô đã cho phép xây dựng các tuyến đê mới, sử dụng một phần diện tích đất ngoài đê sông Hồng để xây dựng công trình công cộng và dân sinh.
Việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa TP và Bộ NN&PTNT trong việc rà soát lại các quy hoạch đê điều, phòng chống lũ và thoát nước, đặc biệt là ở các vùng dễ bị ngập lụt như ven sông Bùi, sông Tích và sông Đáy. Điều này giúp đảm bảo an toàn thoát lũ và ứng phó tốt với rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra cơ hội quan trọng cho Hà Nội trong việc phát triển bền vững, tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các quy định của luật, TP cần nhanh chóng cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ số và nông nghiệp đô thị.
“Ngoài ra, việc điều chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tăng cường phối hợp trong công tác quy hoạch phòng chống thiên tai là những nhiệm vụ cấp thiết giúp Hà Nội phát triển mạnh mẽ và bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới” – TS Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Để từng bước đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất được các chính sách cụ thể hóa rõ nét và mạnh mẽ.
Trong nông nghiệp, Hà Nội phải phát triển khoa học – công nghệ nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ nhu cầu cả ở trong nước và quốc tế. Đồng thời, bảo đảm môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hà Nội cũng cần có những cơ chế hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa, lấy đô thị hóa làm trọng tâm.
“TP Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố con người, có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; đồng thời hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô” – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/chinh-sach-dac-thu-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-trong-luat-thu-do-2024.html