Mặt trái trong thời đại công nghệ 4.0 chính là sự ngập tràn những thông tin xấu, độc, những hành vi chưa đúng đắn của con người và nhiều sự việc, hiện tượng có nội dung dung tục, nhảm nhí có thể tác động không nhỏ đến người trẻ…
Theo TS. Cù Văn Trung, trong thời đại công nghệ số, cần tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội nhấn mạnh, người trẻ dễ dung nạp mọi thứ, rất hồ hởi và luôn trong tâm thế cởi mở để đón nhận những điều mới mẻ. Nhiều hiện tượng tốt đẹp được giới trẻ hào hứng chờ đợi và cổ vũ nhưng cũng không ít hiện tượng tiêu cực do một số người trẻ cổ xúy, hùa theo.
Với bản tính người trẻ là năng động, ưa cái mới, thích sự tìm tòi và khám phá cùng nhận thức chưa chín chắn, chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống nên những hành vi lệch lạc của người trẻ là mối bận tâm cho người lớn và xã hội…
Nhìn từ hiện tượng lệch chuẩn
Thưa ông, những biểu hiện lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay có gì khác biệt so với các thế hệ trước? Và đâu là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này?
Mỗi một thời kỳ, một giai đoạn phát triển của xã hội đều có những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm và hoàn cảnh kinh tế – xã hội khác nhau mà có các hình thức, hình thái về sự lệch chuẩn không giống nhau.
Nếu như trước đây, giới trẻ lệch chuẩn là đi bụi, cầm đồ, cắm xe, tóc vàng, tóc đỏ… thì nay sự lệch chuẩn mang nhiều sắc thái và diện mạo khác, đa dạng hơn, phức tạp hơn, ẩn khuất dưới các lớp vỏ bọc sâu xa hơn. Có nhiều hội nhóm kín hơn, trao đổi, chia sẻ và liên kết thầm lặng. Đặc biệt, hậu quả của nó khi phát tác thì tai hại, khó lường, khó khắc phục. Có những hội, nhóm độc lạ, có những sở thích quái dị, trao đổi người yêu, có những nhóm cùng chia sẻ cách sử dụng chất chất kích thích, game online, đánh lô đề, đánh bạc hoặc một số trào lưu được du nhập trào lưu mới lạ, trend khác thường len lỏi vào trong các cộng đồng một cách kịch cỡm.
Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế của người dân ngày càng khá giả, cùng với đó nhiều mặt trái cũng xuất hiện, bùng phát. Nó ẩn khuất, muôn hình, vạn trạng nhưng nhìn chung đã là những hiện tượng lệch chuẩn thì nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục, với nếp sống và thói quen sinh hoạt của đời sống văn hóa dân tộc.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là vấn đề xuống cấp của văn hóa. Lĩnh vực văn hóa chưa thực sự được tôn lên như đúng vai trò và chức năng của nó. Một bộ phận vẫn còn mải mê, chú tâm tới vấn đề kinh tế, nhìn tới những lợi ích ngắn hạn, cố gắng để đạt được vật chất, tiền bạc mà chưa thực sự chăm lo cho đời sống tinh thần, chưa thực sự quan tâm đến đời sống văn hóa cộng đồng.
Trong khi, các tiêu chuẩn quy định, những yếu tố về văn hóa với tính mẫu mực, khuôn thước đòi hỏi sự chỉn chu và kiên trì thực hành. Cái xấu, cái không đẹp luôn tồn tại trong một xã hội, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ là vấn đề đáng suy nghĩ.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của các hiện tượng lệch chuẩn này đến sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội?
Nếu một cá nhân nào đó đã hoặc đang có những hiện tượng lệch chuẩn sẽ đánh mất hình ảnh, hình tượng, phụ lòng mong mỏi của nhiều người. Họ đánh mất sự tin tưởng, thiếu thiện cảm và các cơ hội để phát triển bản thân. Sự lệch chuẩn quá mức của một người trẻ đều mang gánh nặng lớn cho gia đình của họ. Những bậc cha mẹ có con em mình như thế, họ phải gánh trên cả hai vai, một vai “gánh kinh tế” để khắc phục những tổn thất, tác hại do sự lệch chuẩn mà con em mình gây ra, một vai “gánh nỗi buồn” nặng trĩu trong tâm hồn. Vì sự đưa đẩy, cám dỗ, sự non nớt hay vì chưa quan tâm đến con trẻ mà một số gia đình có cá nhân sống lệch lạc, hành vi lệch chuẩn ấy đều rất phiền muộn, khổ tâm.
Xã hội chỉ phát triển bền vững bởi sự tốt đẹp, tử tế, thiện lương. Chính vì vậy, phải luôn đấu tranh, tiếp tục phản bác và lên án mạnh mẽ những biểu hiện của sự lệch lạc, thiếu chuẩn mực mà một bộ phận cá nhân đang diễn tiến như thế.
Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ
Gia đình và nhà trường đóng vai trò như thế nào trong việc định hình hành vi và giá trị của giới trẻ?
Tôi cho rằng, vai trò của nhà trường và gia đình là vô cùng quan trọng đối với việc hình thành những giá trị tốt đẹp cho người trẻ. Chúng ta nói người trẻ là nói về quá trình nối dài của tuổi ấu thơ, của giai đoạn dậy thì và vị thành niên của mỗi người. Một khi có sự “đứt gãy” ở bất cứ đoạn nào trước đó đều có ảnh hưởng đến tương lai sau này.
Đa phần quá trình sinh ra và lớn lên của bất cứ cá nhân nào đều gắn bó với gia đình và nhà trường. Đó là những không gian nuôi nấng về thể chất và tinh thần của mỗi người. Một khi môi trường ấy có vấn đề đều gây ra những tác động tiêu cực trong nhận thức, hành vi và lối ứng xử của mỗi cá nhân.
Một gia đình không trọn vẹn, vắng bố hay mẹ, thiếu tình thương, sự chăm sóc và dưỡng dục đều gây ra những tổn thất đối với con trẻ. Đặc biệt, những vết xước trong đời sống tinh thần đeo đẳng đến khi chúng lớn lên, trưởng thành. Thẳm sâu bên trong những người trẻ ấy là sự thiếu thốn những chỉ dẫn, điểm tựa về lẽ sống, về khát vọng những ước mơ đúng đắn.
Một môi trường giáo dục mà thiếu những thầy cô là tấm gương sáng, những hình mẫu, thần tượng cho người trẻ đều để lại những vệt không ấn tượng trong suy nghĩ của người trẻ. Nếu ở nơi ấy xuất hiện nhiều sự cạnh tranh, bạo lực học đường, chủ nghĩa thành tích, sính bằng cấp… đều là những tác động không tốt đến người trẻ.
Chính vì vậy, phải duy trì một cách rất ổn định, trong sáng và mẫu mực từ gia đình đến nhà trường. Đó là biện pháp để khai mở những suy nghĩ đúng đắn, tích cực cho những người thừa kế tương lai của đất nước. Chúng ta kiên trì giữ vững được hai thành tố tiên quyết, tiên phong là gia đình và nhà trường, tức là đã có nửa đầu thành công cho toàn bộ hành trang của người trẻ.
Nửa còn lại là bản lĩnh, là phản xạ và là “đề kháng” đã được nửa trước trang bị để người trẻ soi rọi phản kháng trước những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống cũng như những biểu hiện của sự lệch lạc, thiếu chuẩn mực đang tồn tại trong xã hội.
Mặt trái của thời đại công nghệ 4.0 chính là sự ngập tràn những thông tin xấu, độc, những hành vi chưa đúng đắn. (Ảnh minh họa: Internet) |
Môi trường xã hội, đặc biệt là các phương tiện truyền thông và mạng xã hội có ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của giới trẻ ? Ông có đề xuất giải pháp gì để hạn chế những tác động tiêu cực?
Con người nói chung và người trẻ nói riêng đang sống trong thời đại công nghệ số. Những mặt thuận lợi mà nó đem lại là vô cùng to lớn và không thể phủ nhận. Có nhiều điều thú vị, những câu chuyện, nhân vật cảm động hay những sự kiện lịch sử được truyền thông có sức lay động lòng người. Tuy nhiên, mặt trái của thời đại công nghệ 4.0 chính là sự ngập tràn những thông tin xấu, độc, những hành vi chưa đúng đắn của con người và nhiều sự việc, hiện tượng có nội dung dung tục, nhảm nhí.
Nhìn chung, người trẻ dễ dung nạp mọi thứ, rất hồ hởi và luôn trong tâm thế cởi mở để đón nhận những điều mới mẻ. Nhiều hiện tượng tốt đẹp được giới trẻ hào hứng chờ đợi và cổ vũ nhưng cũng không ít hiện tượng tiêu cực do một số người trẻ a dua, hùa theo. Với bản tính người trẻ là năng động, ưa cái mới, thích sự tìm tòi và khám phá cùng nhận thức chưa chín chắn, chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống nên những hành vi lệch lạc của người trẻ là mối bận tâm cho người lớn, cho xã hội.
Tôi cho rằng, cần phải nâng đỡ người trẻ, trong khi những cái xấu rất dễ được chia sẻ, vô hình trung cũng khiến những cá nhân tích cực, năng động dần dần không nhận được sự chú tâm, cổ vũ khiến họ nhụt chí. Cần nhiều môi trường chia sẻ, tâm sự và tương tác, sự để ý và được nâng đỡ những hành vi tốt đẹp, những cố gắng để người trẻ khẳng định, chứng tỏ mình.
Bởi lẽ, sự thờ ơ, thiếu cổ vũ của người lớn, có khi lại dập tắt năng lực phấn đấu, dấn thân và những năng lượng tích cực của người trẻ. Phải khiến người trẻ yêu chính mình hơn, yêu những hành động đúng đắn để tự tin trong cuộc sống.
Người lớn cần cổ vũ và tạo sân chơi cho người trẻ, đặc biệt trong thời đại số. Khi người trẻ yêu bản thân, công việc và cuộc sống, họ sẽ có niềm tin về con đường họ đi; cái xấu, cái lệch lạc làm sao lôi cuốn, hấp dẫn được họ. Nói như vậy cũng phản ánh thực trạng rằng, việc người trẻ thiếu sân chơi, không gian và sự nâng đỡ, nâng niu những giá trị tốt đẹp, thiện lương vẫn còn tồn tại.
Cần giải pháp toàn diện
Theo ông để giải quyết vấn đề lệch chuẩn trong giới trẻ, cần có những giải pháp toàn diện như thế nào?
Đây là vấn đề vĩ mô, sâu xa hơn chính là vấn đề chấn hưng văn hóa dân tộc. Cái gốc của những biểu hiện hành vi lệch lạc chính là phạm trù thuộc về văn hóa. Như chúng ta đã biết, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa tức là các giá trị chuẩn mực, tốt đẹp hiện thực có sứ mệnh dẫn dắt đời sống tinh thần của con người. Thông qua những cử chỉ, hành vi của mỗi công dân, người ta đánh giá được sức lan tỏa của văn hóa dân tộc ở mỗi quốc gia. Bởi có yêu bản thân, yêu đất nước và dân tộc mình thì mỗi người mới có lòng tự tôn, tự trọng, giữ gìn nếp sống, hành vi ứng xử trong cộng đồng xã hội và lan tỏa, quảng bá ra thế giới.
Nếu một cộng đồng mà nhiều cá nhân có những hành vi lệch chuẩn, tức là họ đã đánh mất những phẩm chất tốt đẹp, những tiêu chí và các hệ giá trị đã định hình của dân tộc mình. Bởi nói đến văn hóa là nói đến cái đẹp, cái tử tế được kết tinh từ lịch sử, từ quá trình lao động sản xuất và sáng tạo của con người, dân tộc và quốc gia cụ thể nào đó. Chính vì thế, đề cập hành vi lệch chuẩn là một khía cạnh nhỏ, khía cạnh ngọn của vấn đề nhưng lại vô hình trung chạm tới cái gốc là văn hóa.
Để khắc phục hiện tượng này đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng, của hệ thống chính trị và mỗi cá nhân. Cải cách văn hóa chính là sự dung nạp những cái tốt, đúng đắn, duy trì những giá trị chuẩn mực truyền thống của dân tộc. Từ đó, nó thực hiện vai trò soi đường, chỉ dẫn cho quốc dân đi, cho người trẻ noi theo, là chỗ dựa trong đời sống tinh thần, hướng tới sự tử tế, có lý tưởng.
Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và mỗi cá nhân trong việc giải quyết vấn đề này là gì?
Các cơ quan nhà nước đã có chiến lược chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Theo tôi, cần đẩy mạnh hơn công tác quản lý, giám sát và nhân rộng những hiện tượng tốt đẹp, tử tế trong đời sống xã hội; chấn chỉnh, “dọn dẹp” những thông tin, dữ kiện và hiện tượng chưa đúng đắn trên các nền tảng công nghệ, các phương tiện thông tin truyền thông. Qua đó, khắc phục tình trạng đang lệch hướng, sai trái của những hành vi thiếu chuẩn mực trong đời sống xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cần thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với xu hướng của thời đại mới; có nhiều sân chơi và các hình thức đa dạng để tạo sức hút và sự hấp dẫn cho người trẻ nói riêng và quần chúng nói chung tham gia.
Đặc biệt, đối với mỗi cá nhân cần tin tưởng vào bản sắc văn hóa của dân tộc, tin tưởng vào bản lĩnh, khí phách của con người Việt Nam; kiên định thực hành, thực hiện một cách bền bỉ những tiêu chí, tiêu chuẩn về hành vi, chuẩn mực văn hóa mà dân tộc ta, ông cha ta, nhà nước ta đã thừa nhận và tôn thờ.
Xin cảm ơn TS!
Nguồn: https://baoquocte.vn/ts-cu-van-trung-tao-de-khang-cho-nguoi-tre-de-khong-lech-chuan-hanh-vi-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-290133.html