NDO – Ngày 26/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Năm 2024, Viện Hàn lâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 8 nhiệm kỳ 2020-2025, tạo đà thuận lợi bước vào Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 9 nhiệm kỳ 2025-2030.
Cơ hội để nền khoa học công nghệ Việt Nam vươn mình, bứt phá
Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn do tác động của các yếu tố trong và ngoài nước, như xung đột vũ trang tại nhiều nơi trên thế giới, tình hình kinh tế còn nhiều biến động, ảnh hưởng chung đến các mặt hoạt động của Viện, nhưng toàn thể cán bộ, nhà khoa học, viên chức và người lao động của Viện đã nỗ lực hết mình, phát huy tinh thần đoàn kết và hoàn thành tốt các chỉ tiêu của năm 2024. Các kết quả này đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 8 nhiệm kỳ 2020-2025, tạo đà thuận lợi bước vào Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 9 nhiệm kỳ 2025-2030.
Bên cạnh đó, trong tháng cuối năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hoàn thành phương án sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương.
Viện đã giảm 14 đầu mối trực thuộc, từ 38 đơn vị xuống 24 đơn vị (giảm 36,8%) theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18. Các báo cáo, hồ sơ đã được Viện hoàn thành đúng tiến độ và trình Chính phủ theo quy định nhằm đảm bảo các đơn vị trực thuộc sớm đi vào hoạt động ổn định.
Toàn cảnh hội nghị. |
Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó có nội dung: Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. Đầu tư, nâng cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng các cơ sở nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia. Sáp nhập, giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động không hiệu quả.
“Nghị quyết 57 được ban hành vào thời điểm này, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, là cơ hội để nền khoa học công nghệ Việt Nam nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ nói riêng vươn mình, bứt phá trong giai đoạn tới, góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh nhấn mạnh.
Số lượng, chất lượng các công trình công bố tiếp tục tăng trưởng
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Viện Hàn lâm là duy trì và phát triển nghiên cứu cơ bản. Năm 2024, số lượng và chất lượng các công trình công bố của Viện tiếp tục có sự tăng trưởng. Các nhà khoa học của Viện đã công bố được 2.200 công trình trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Trong số các công bố trên các tạp chí quốc tế, hơn 81% các công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín chất lượng cao (trong danh mục Q1, Q2 hoặc chỉ số IF > 1). Tỷ lệ công bố quốc tế trên số Tiến sĩ của Viện đã đạt hơn 1,8, tương đương các tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới.
So giai đoạn trước, số lượng công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín chất lượng cao có sự tăng trưởng mạnh, đạt trung bình 17% hằng năm, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 8.
Công tác điều tra cơ bản tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cung cấp những thông tin và luận chứng khoa học quan trọng phục vụ công tác xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trong cả nước.
Về nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ, năm 2024, Viện Hàn lâm đã được cấp 62 bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có 4 bằng sáng chế quốc tế. Như vậy, từ năm 2020 đến nay Viện đã được cấp gần 300 bằng sở hữu trí tuệ, tăng gấp 1,5 lần so giai đoạn trước vượt chỉ tiêu (5% hằng năm) đề ra tại Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ 8. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp và địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Về công tác đào tạo, Viện Hàn lâm tiếp tục chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sau khi được tổ chức HCERES chứng nhận đạt chuẩn kiểm định châu Âu năm 2023, tiếp tục khẳng định là một địa chỉ đào tạo uy tín và thu hút được hơn 1.000 sinh viên cho năm 2024 và nâng quy mô đào tạo lên 3.500 sinh viên.
Trường đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội vinh dự là một trong 18 trường đại học trong cả nước được Chính phủ lựa chọn để đầu tư trang thiết bị đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch-bán dẫn.
Bên cạnh đó, Học viện Khoa học và Công nghệ và cơ sở đào tạo của Viện Toán học tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, hiện đang hướng dẫn hơn 400 nghiên cứu sinh. Trong năm đã có 70 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, về cơ bản mỗi nghiên cứu sinh có từ hai công trình công bố quốc tế, tương đương tiêu chuẩn quốc
Nêu phương hướng cho kế hoạch năm 2025, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh cho biết, Viện sẽ triển khai ngay phương án sắp xếp các đơn vị trực thuộc Viện sau khi được Chính phủ phê duyệt, nhằm sớm ổn định tổ chức và đi vào hoạt động nề nếp, không làm ảnh hưởng việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Viện. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025-2030. Ban hành Chương trình hành động của Viện Hàn lâm với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo tinh thần chủ đề điều hành ”Đoàn kết kỷ cương, chủ động linh hoạt, kịp thời hiệu quả, phát triển bứt phá” để góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2025.
Bên cạnh đó, thúc đẩy công bố các công trình nghiên cứu, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế. Nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh các hướng nghiên cứu phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-truong-manh-so-luong-va-chat-luong-cac-cong-trinh-cong-bo-post852671.html