Theo TS. Nguyễn Đình Cung, mục tiêu tăng trưởng kinh tế càng cao thì giải pháp phải đủ lớn, đặc biệt giải pháp là hành động chứ không chỉ trong nghị quyết.
Chia sẻ với phóng viên mới đây, TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP phải tương xứng với các giải pháp thực hiện. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế càng cao thì giải pháp triển khai phải đủ lớn, đủ quyết liệt thì mới đạt được. Giải pháp ở đây là giải pháp hành động chứ không phải giải pháp bằng lời nói, không phải giải pháp trong nghị quyết.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh minh hoạ |
- Cải thiện môi trường kinh doanh được đánh giá là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vậy năm 2025, chúng ta có những điều kiện thuận lợi như thế nào trong cải thiện môi trường kinh doanh, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Với kinh nghiệm nhiều năm làm cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tôi cho rằng, năm 2025 Việt Nam có thuận lợi chưa từng có trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rõ: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn và cải cách thể chế, phá bỏ rào cản là đột phá của đột phá. Quan điểm này theo tôi hoàn toàn đúng trong giai đoạn hiện nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng, chúng ta phải thay đổi thể chế, thay đổi luật lệ theo một tư duy mới, đó là bỏ tư duy lâu nay ‘không quản được thì cấm’. Với tư duy mới đó và chỉ đạo mang tính đột phá, tôi cho rằng việc xóa bỏ một số rào cản căn bản đối với doanh nghiệp hiện nay hoàn toàn nằm trong tầm tay. Việt Nam cũng nên tận dụng cơ hội này để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động.
Tương tự như vậy, những quy định về điều kiện kinh doanh bất hợp lý, mà những bất hợp lý ở đây rất dễ xác định bởi nó không còn phù hợp với kinh tế thị trường, nghĩa là can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, can thiệp vào quyền của người đầu tư kinh doanh. Những quy định hành chính không rõ ràng, không cụ thể, không minh bạch thì không bao giờ quản lý được mà chỉ tạo ra cơ hội và dư địa cho công chức nhà nước can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh một cách tuỳ tiện.
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm 2025 có thể theo hướng phân cấp triệt để cho các địa phương, để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Với cách làm như thế sẽ tạo ra một không khí, một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương với nhau, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào các địa phương.
- Giải ngân vốn đầu tư công vẫn được đánh giá là điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, theo ông chúng ta cần khắc phục điểm nghẽn này như thế nào trong năm 2025?
TS Nguyễn Đình Cung: Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến rất nhiều, trong đó có một số nhóm nguyên nhân cụ thể, bao gồm: Nguyên nhân về chuẩn bị đầu tư và chất lượng đầu tư chưa cao, thậm chí có những dự án đầu tư chất lượng kém nên khi thực thi phải xin lên xin xuống và điều chỉnh, khiến dự án bị kéo dài thời gian và đội vốn; nguyên nhân do quy định của pháp luật chồng chéo; nguyên nhân do nhà thầu không đủ năng lực; nguyên nhân do thiếu nguyên vật liệu và nguyên nhân do thị trường biến động về giá cả mà chúng ta không kịp thời điều chỉnh cho các nhà thầu.
Chúng ta cũng đã đưa ra các giải pháp, đồng thời đã thành lập rất nhiều đoàn, Thủ tướng Chính phủ cũng đích thân chỉ đạo thực hiện việc đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân vẫn chậm.
Nên có lẽ, chúng ta cần phải thay đổi, tôi cho rằng để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là tập trung vào những dự án trọng điểm, đặc biệt là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện. Thực tế, mấy năm nay chúng ta đã tập trung được vào những dự án ưu tiên của ưu tiên, trọng điểm của trọng điểm và như thế khả năng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn. Bởi vì những dự án này không thể không làm, chúng ta cũng đã bắt đầu cải cách thủ tục hành chính với việc phân cấp nhiều hơn cho các bộ, ngành cũng như chính quyền các địa phương trong việc quản lý đầu tư công. Cùng với đó, Luật Đầu tư công trong mấy năm vừa rồi đã sửa đổi đến 2-3 lần, điều này sẽ giúp khắc phục được một phần đáng kể các điểm yếu của của pháp luật.
Ngoài ra, chúng ta cũng đã tạo những cơ chế cho các nhà thầu có nguồn nguyên vật liệu đầy đủ hơn, giải phóng mặt bằng tốt hơn. Vì khi chúng ta tập trung vào những dự án trọng điểm thì nỗ lực thực hiện đầu tư công cũng tập trung hơn, với những thay đổi như vậy tôi tin rằng, đầu tư công trong thời gian tới sẽ có những cải thiện nhất định.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa |
- Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
TS Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu cũng được nhưng nó phải tương xứng với các giải pháp thực hiện, mục tiêu tăng trưởng cao thì giải pháp triển khai phải đủ lớn, đủ quyết liệt thì mới đạt được. Giải pháp ở đây là giải pháp hành động chứ không phải giải pháp trên lời nói, không phải giải pháp trong nghị quyết.
Đặc biệt, các giải pháp tăng trưởng phải khắc phục các điểm yếu, điểm chưa được của kinh tế Việt Nam trong năm 2024, đó là cải cách mạnh mẽ, cải thiện đột biến môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2025 được đánh giá là một năm bản lề của kinh tế Việt Nam, các tỉnh, thành trên cả nước cũng đã thông qua quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 với các quyết định do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch phát triển, hầu như tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%. Như vậy các địa phương mà đạt được tăng trưởng GRDP trên 10% thì cả nước cũng sẽ đạt được mức tăng trưởng trên 10%.
Để các địa phương đạt được mức tăng trưởng trên 10% thì phải đặt trọng tâm vào chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nghĩa là phải tạo áp lực cho họ, đồng thời phải tạo cơ chế để họ có động lực, có cơ hội hành động. Muốn làm được như vậy cần phân cấp, phân quyền, tạo sự tự chủ cho chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để họ cạnh tranh nhau trong phát triển kinh tế.
Kinh nghiệm cho thấy, khoảng 10 đến 15 năm trước, sự cạnh tranh giữa các địa phương đã tạo nên một động lực thực sự cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cùng với sự cạnh tranh này thì chúng ta thực hiện tinh giản bộ máy, phân cấp, phân quyền một cách triệt để theo hướng đánh giá chính quyền địa phương, hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 10% và đánh giá chính quyền địa phương trên cơ sở kết quả, hiệu quả đạt được trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Với cách làm như vậy, đây là giải pháp mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2025, Chính phủ đã trình Trung ương Đảng, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, đồng thời, yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức đối với Việt Nam trong năm 2025. |
Nguồn: https://congthuong.vn/tang-truong-kinh-te-can-tao-su-canh-tranh-lan-nhau-372108.html
Bình luận (0)