Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), phòng, chống đuối nước (PCĐN) trẻ em trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời có các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do TNTT, bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng TNTT, đuối nước trẻ em. Đặc biệt ngay trong những ngày đầu kỳ nghỉ hè năm 2023 (25/5), trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân là 3 chị em ruột gồm: Bé gái Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh năm 2013); bé trai Nguyễn Thiện Đức (sinh năm 2015) và Nguyễn Đức Ý (sinh năm 2017) con của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thành và chị Nguyễn Thị Thảo Quyền, cư trú tại khu phố 1, phường Bảo An (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quan tâm, quản lý trẻ em, nhất là trong dịp hè.
Dạy bơi là phương pháp tốt nhằm nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. Ảnh minh họa
Để ngăn ngừa nguy cơ TNTT, đuối nước, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ em, nhất là trong kỳ nghỉ nghỉ hè năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, tỉnh về công tác phòng, chống TNTT, PCĐN cho trẻ em; Kế hoạch số 1663/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống TNTT, PCĐN cho trẻ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, TNTT, đuối nước trẻ em. Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị TNTT, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, đặc biệt cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về phòng, chống TNTT, đặc biệt là đuối nước trẻ em để nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, quản lý, giám sát và trông giữ con em đảm bảo được an toàn, nhất là trong dịp hè, mùa mưa, bão sắp đến. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể có liên quan. Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đối với các gia đình có trẻ em tử vong do TNTT, tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống TNTT trẻ em tại địa phương. Thường xuyên rà soát, đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống TNTT, PCĐN trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động dạy bơi an toàn cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên các địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em (các huyện ven biển, các huyện có nhiều sông, suối, hồ v.v…) để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ đuối nước đối với trẻ em. Các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em; đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống TNTT và đuối nước trẻ em tại các bãi tắm du lịch, bể bơi, hồ bơi. Quan tâm đầu tư kinh phí để củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở vui chơi, giải trí hiện có (như nhà văn hóa, trường học, sân thể thao, điểm vui chơi dành cho trẻ em v.v…) để tổ chức cho trẻ em sinh hoạt, vui chơi an toàn trong kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè; khẩn trương thực hiện việc lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước trẻ em, làm rào chắn đối với các ao, hồ tại cộng đồng dân cư, các công trình công cộng; tích cực huy động, vận động các cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi cho trẻ em và trang bị kỹ năng PCĐN để bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Các cơ quan truyền thông tăng cường đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT, PCĐN và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, người dân tại cộng đồng trong phòng, chống TNTT, PCĐN trẻ em.
Xuân Bính