Xác định công tác quy hoạch là bước đi quan trọng, nhằm đáp ứng cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, thời gian qua, huyện Thuận Bắc tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát, triển khai hoàn chỉnh hồ sơ, trình thẩm định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm; phối hợp với các đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 theo số liệu chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đã được phân bổ. Ngoài các chính sách khuyến khích hỗ trợ, đầu tư của trung ương, của tỉnh được triển khai, địa phương còn quan tâm đẩy nhanh giải quyết thủ tục hồ sơ, khẩn trương giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại huyện. Tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị nghị tỉnh những công việc vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn.
Những giải pháp được triển khai một cách đồng bộ đã mang lại hiệu quả, trên địa bàn ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư. Hiện nay, ngoài 8 dự án điện năng lượng tái tạo hoàn thành, với công suất 857MW đã hòa điện lưới quốc gia; hoạt động đầu tư lĩnh vực du lịch vài năm trở lại đây cũng có sự chuyển biến. Tận dụng địa hình và những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện làm tốt công tác quy hoạch, tích cực phối hợp các sở, ngành kêu gọi các thành phần kinh tế đến tìm hiểu và đầu tư. Hiện nay đã có 2 dự án Khu du lịch Natural Paradise Ninh Thuận tại xã Công Hải và dự án Khu du lịch cộng đồng Núi Chúa Village tại xã Bắc Sơn đang hoạt động; riêng dự án Khu du lịch Bình Tiên đã đưa vào hoạt động hạng mục sân golf, thu hút khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan mỗi năm, doanh số thu từ du lịch ước đạt 25 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án trong Khu công nghiệp Du Long, với tổng mức đầu tư 2.230 tỷ đồng gồm: Nhà máy sản xuất thú nhồi bông; dự án nhà máy may và nhà máy dệt sợi; nhà máy cán thép; nhà máy nhuộm và dệt lông cừu; nhà máy nước Lợi Hải. Nhờ sự đồng hành của địa phương đã giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả; đặc biệt, sản phẩm thú nhồi bông, hàng may mặc được xuất khẩu ra các nước, với giá trị xuất khẩu đến năm 2025 ước đạt 20 triệu USD, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động trên địa bàn và vùng lân cận. Đồng thời, huyện cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và Luật Đầu tư công. Từ năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển do huyện quản lý trên 420 tỷ đồng, tập trung đầu tư hạ tầng cho 2 dự án tái định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư kiên cố hóa trường lớp, hệ thống giao thông nông thôn. Các dự án sau khi hoàn thành, góp phần đáng kể trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo báo cáo trong 5 năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Thuận Bắc ước đạt 20.207 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Theo đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, nguồn vốn được ưu tiên đầu tư các dự án, công trình trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng, cấp nước, hệ thống trường, trạm... Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt của địa phương. Đây là những tiền đề quan trọng để huyện không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Hồng Lâm
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152541p1c30/thuan-bac-day-manh-thu-hut-dau-tu.htm
Bình luận (0)