Bám sát tinh thần nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; ngày 27/2/2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đồng hành cùng trung ương quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả dự án đúng tiến độ đề ra, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Để triển khai thực hiện hiệu đồng bộ, hiệu quả mục tiêu nghị quyết đề ra, tỉnh xác định cần tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai học tập, tuyên truyền, quán triệt về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án điện hạt nhân đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh; làm tốt công tác tư tưởng, kịp thời nắm bắt tư tưởng, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, dư luận để vận động, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến dự án.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dân, tái định cư, định canh, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân địa phương nơi triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân. Huy động sự vào cuộc các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, về nơi ở mới. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB, hoàn thành GPMB khu vực dự án để bàn giao cho chủ đầu tư trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương. Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu sản xuất, thương mại, dịch vụ nhằm giải quyết việc chuyển đổi nghề cho nhân dân vùng dự án để ổn định sinh kế. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của các gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; chú trọng giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho nhân dân, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững...
Cùng với đó, rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời, đồng bộ quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan theo phương án có dự án điện hạt nhân; tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án.
Kịp thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các cơ chế chính sách hỗ trợ tỉnh về tài chính ngân sách, đầu tư, an sinh xã hội, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh theo thẩm quyền để hỗ trợ các địa phương trong vùng dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân; đảm bảo người dân vùng dự án được thụ hưởng các chính sách cao nhất của Nhà nước để ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng liên vùng, đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện dự án, nhất là đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối, hạ tầng liên vùng; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện dự án, như: Bồi thường, GPMB, tái định cư, định canh và an sinh xã hội, hạ tầng kết nối phục vụ dự án điện hạt nhân. Kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, hạ tầng cảng biển, trung tâm logistics, kho xăng dầu, các khu đô thị mới, cơ sở giáo dục, bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe,... phục vụ dự án.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu trong quá trình triển khai dự án. Xây dựng kế hoạch thích ứng việc gia tăng dân số trong những năm đầu vận hành nhà máy. Quan tâm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí nhân dân và công nhân, kỹ sư, chuyên gia đến làm việc tại tỉnh.
Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội với tinh thần chủ động, kiên quyết từ sớm, từ xa. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong quá trình triển khai, thực hiện dự án. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn phục vụ có hiệu quả việc triển khai dự án.
Ngoài việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, để triển khai thực hiện chủ trương xây dựng dự án điện hạt nhân đảm hiệu quả, đúng tiến độ đề ra; đồng thời, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 113-TB/VPTW ngày 13/12/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ định hướng xây dựng Ninh Thuận trở thành: (1) Trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; (2) Trung tâm dịch vụ công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng; (3) Tổ hợp công nghiệp, chế tạo xanh, công nghiệp phụ trợ; (4) Trung tâm công nghiệp xanh NetZero; (5) Trung tâm sản xuất chip bán dẫn, công nghệ trí tuệ AI; (6) Trung tâm dữ liệu quốc gia, khu vực, thế giới. Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát sơ kết tình hình thực Nghị quyết số 55-NQ/TW, từ đó bổ sung các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho phù hợp, đồng bộ với chủ trương phát triển năng lượng trong tình hình mới; chỉ đạo kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương và nhân dân vùng dự án nhà máy điện hạt nhân tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sớm triển khai một số nội dung như: Sớm trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để triển khai kịp thời trong thời gian tới; theo đó, xem xét quan tâm bổ sung tăng thêm nguồn và hạ tầng truyền tải đồng bộ cho tỉnh (điện khí LNG Cà Ná, thủy điện tích năng, nhà máy sản xuất hydrogen,...), nhằm góp phần khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Rà soát, ban hành, hướng dẫn kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, không tạo khoảng trống về thời gian thực thi quy hoạch và cơ chế, chính sách. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giá điện, đấu thầu, đấu giá, đất đai, đầu tư hạ tầng truyền tải làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần bảo đảm quy hoạch sớm thực thi theo lộ trình đề ra; hướng dẫn về trình tự, thủ tục, tiêu chí đánh giá đấu thầu các dự án năng lượng. Rà soát, bố trí vốn đầu tư để đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn quan trọng và truyền tải trong Quy hoạch điện VIII, điện VIII điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (thủy điện tích năng Bác Ái và tích năng Phước Hòa; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; Trạm biến áp 500kV Ninh Sơn; các đường dây 500kV: Ninh Sơn - Chơn Thành, LNG Cà Ná - Bình Dương 1, các đường dây truyền tải các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận...).
Hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhất là dự án: Điện khí LNG Cà Ná, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, thủy điện tích năng Bác Ái và Phước Hòa. Xem xét, hoàn thiện thị trường năng lượng cạnh tranh, xây dựng cơ chế giá hiệu quả; hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ và lưu trữ năng lượng. Sớm hoàn thiện và ban hành quyết định cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp. Hướng dẫn, hỗ trợ Ninh Thuận xây dựng đề án trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, quy hoạch vùng được duyệt. Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ đã được tỉnh kiến nghị như: Tham vấn ý kiến Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam (Công văn số 1058/UBND-KTTH ngày 14/3/2025); Văn phòng UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Công văn số 1061/UBND-KTTH ngày 13/3/2025) trong việc khuyến cáo, khuyến nghị liên quan việc triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận.
Mặt khác, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án thành phần độc lập nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, tái định cư phục vụ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân theo đúng tinh thần chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 7/2/2025 của Văn phòng Chính phủ. Đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước mắt cho phép tỉnh Ninh Thuận thực hiện công tác GPMB theo Quyết định số 794/QĐ-TTg để bảo đảm tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án. Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Ninh Thuận làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án thành phần di dân tái định cư, GPMB dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm: (1) Dự án thành phần 1, Di dân tái định cư, GPMB dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; (2) Dự án thành phần 2, Di dân tái định cư, GPMB dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp và Năng lượng quốc gia (PVN) phối hợp cung cấp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án phục vụ công tác điều chỉnh quy hoạch tỉnh và phục vụ một số nhiệm vụ có liên quan.
Để đáp ứng nhu cầu triển khai dự án, tỉnh đề nghị Bộ Tài chính xem xét, bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2025 và các nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Dự án di dân, tái định cư của các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, nhu cầu trước mắt là 3.400 tỷ đồng; số còn lại sẽ bổ sung cho đủ khi có đủ điều kiện phạm vi, ranh giới, nhu cầu cấp thiết. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các công trình, hoạt động được phép tồn tại trong bán kính an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Bộ Xây dựng sớm tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn làm cơ sở để tỉnh kêu gọi đầu tư dự án.
Linh Giang
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152500p1c30/bai-cuoi-trien-khai-thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap.htm
Bình luận (0)