Tham dự buổi tọa đàm có PGS.Ts. Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Venezuela; Đại sứ Vương Thừa Phong, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương; cùng đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Vụ Đối Ngoại nhân dân – Ban Đối ngoại Trung ương; một số thành viên Hội đồng tư vấn đối ngoại Nhân dân Thủ đô; đại diện một số sở, ban, ngành liên quan. Lãnh đạo Liên hiệp Hà Nội chủ trì buổi Toạ đàm.
Luật Thủ đô là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật bám sát các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô…
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác lập quan điểm chỉ đạo quan trọng về 3 trụ cột đối ngoại, trong đó trụ cột “đối ngoại Nhân dân” cùng với 2 trụ cột “đối ngoại Đảng” và “ngoại giao Nhà nước” tạo nên mặt trận đối ngoại thống nhất, hình thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và toàn diện.
Nhận thức được tầm quan trọng, trách nhiệm thực hiện sự phân công của Thành phố trong việc tham góp ý kiến các nội dung vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Liên hiệp Hà Nội đã thành lập Hội đồng tư vấn đối ngoại Nhân dân Thủ đô gồm các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật và giữ trọng trách trong lĩnh vực ngoại giao nói chung, đối ngoại Nhân dân nói riêng.
Với những ý kiến đóng góp vào Khoản 2, Điều 52, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 10/5/2024, việc tổ chức Tọa đàm nhằm làm rõ nội hàm 3 nhóm cơ chế chính sách trên liên quan việc cụ thể hóa, triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi): Nhóm 1: Địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế; Nhóm 2: Cơ chế tài chính bảo đảm hoạt động đối ngoại Nhân dân; Nhóm 3: Cơ chế chính sách phát triển mạng lưới, tổ chức, lực lượng làm đối ngoại Nhân dân.
Điều 52 quy định tại Khoản 2: Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô; tăng cường đối ngoại Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, người dân Thủ đô tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.
Chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội tin tưởng rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thực sự bảo đảm các điều kiện pháp lý để Hà Nội ngày càng xứng đáng là trái tim của cả nước, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-co-che-dac-thu-ve-doi-ngoai-nhan-dan-thu-do.html