Trở thành Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp ở tuổi 34, ông Attal được kỳ vọng giúp trẻ hóa chính phủ và giành lại tín nhiệm của cử tri.
Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/1 thông báo bổ nhiệm Bộ trưởng Giáo dục Gabriel Attal làm Thủ tướng mới của nước này, thay bà Elisabeth Borne. Với quyết định này, ông Attal trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Pháp, khi nhậm chức ở tuổi 34.
Giới quan sát cho rằng điều này đánh dấu một mốc mới trong quá trình thăng tiến “thần tốc” của Attal, ngôi sao đang lên trong chính trường Pháp. Chỉ trong hơn một thập kỷ, ông từng bước vươn lên từ nhân viên tại văn phòng Bộ trưởng Y tế để trở thành người quyền lực thứ hai tại Pháp, chỉ sau Tổng thống Macron.
“Đó là con đường thăng tiến ngoạn mục, ngay cả với một người được hưởng những đặc ân như Attal”, Kim Willsher, nhà bình luận của Guardian, cho hay.
Attal sinh ngày 16/3/1989 tại Clamart, tỉnh Hauts-de-Seine thuộc vùng Ile-de-France của nước Pháp. Ông lớn lên tại thủ đô Paris cùng ba em gái.
Cha của Attal là Yves Attal, luật sư kiêm nhà sản xuất phim mang trong mình dòng máu Do Thái. Mẹ ông từng là nhân viên của một công ty sản xuất phim và xuất thân từ một gia đình Kitô giáo chính thống.
Attal theo học tại École alsacienne, hệ thống trường tư thục ở thủ đô Paris. Đây được xem là lựa chọn hàng đầu của các gia đình có địa vị cao trong lĩnh vực chính trị và nghệ thuật ở Pháp.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông học luật tại Đại học Panthéon-Assas từ năm 2008 tới 2011, trước khi tiếp tục theo học tại Viện Nghiên cứu Chính trị Sciences Po vào năm 2012 và lấy bằng thạc sĩ quan hệ công chúng.
Bạn bè của Attal cho biết tham vọng chính trị của ông được khơi dậy khi tham gia cuộc biểu tình của thanh niên chống lại bà Jean-Marie Le Pen, lãnh đạo cực hữu lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp và chỉ thất bại trước đối thủ Jacques Chirac vào năm 2002. Tới năm 2006, Attal gia nhập đảng Xã hội và ủng hộ ứng viên tổng thống của đảng là Ségolène Royal trong cuộc bầu cử năm 2007.
Năm 2012, ông làm nhân viên tại văn phòng Bộ trưởng Y tế Pháp khi đó là Marisol Touraine, mẹ của một người bạn cùng lớp. Bà Touraine mô tả Attal là “người khéo léo, có trách nhiệm” và dự đoán ông có “tương lai tươi sáng, sự nghiệp tuyệt vời”.
Năm 2016, ông trở thành một trong những người đầu tiên rời đảng Xã hội để gia nhập đảng Tiến bước (En Marche) non trẻ, sau đổi tên thành đảng Phục hưng (Renaissance), do ông Macron thành lập. Một năm sau, ông được bầu vào quốc hội Pháp.
Ông trở thành Thứ trưởng Giáo dục ở tuổi 29, thành viên trẻ nhất trong chính phủ Pháp từ năm 1958 tới nay. Trong đại dịch Covid-19, Attal được thủ tướng Pháp khi đó là Jean Castex bổ nhiệm làm người phát ngôn của chính phủ và tên tuổi ông nhanh chóng được nhiều người biết đến.
Khi còn là quốc vụ khanh Bộ Tài chính từ năm 2022 tới 2023, ông đã bảo vệ dự luật cải cách lương hưu gây tranh cãi của Tổng thống Macron. Tháng 7/2023, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên.
Tháng 8/2023, ông thông qua quy định cho phép chuyển học sinh bắt nạt đến trường mới, khác với cách làm trước đó là nạn nhân phải chuyển trường. Các biện pháp khác bao gồm thành lập các đội chuyên trách trong cơ quan giáo dục, tịch thu điện thoại di động trong những trường hợp nghiêm trọng và mở các khóa học tâm lý. Những vụ bắt nạt nghiêm trọng nhất có thể được chuyển cho công tố viên.
Một trong những động thái gây tranh cãi nhất của ông Attal là quyết định cấm học sinh mặc abaya, áo choàng dài của phụ nữ Hồi giáo. Lệnh cấm đã vấp làn sóng phẫn nộ trên khắp đất nước, song cũng giúp ông nhận được ủng hộ của nhiều cử tri cánh hữu.
Ông Attal còn là Thủ tướng đồng tính công khai đầu tiên ở Pháp và có mối quan hệ với Stéphane Séjourné, 38 tuổi, nghị sĩ châu Âu kiêm tổng thư ký đảng Phục hưng cầm quyền. Séjourné từng là một trong những cố vấn chính trị của Tổng thống Macron cho tới năm 2021.
Trong thập kỷ qua, hệ tư tưởng chính trị của ông Attal đã chuyển từ trung tả sang trung hữu. Năm 2018, ông đáp trả các cuộc đình công của nhân viên công ty đường sắt quốc gia SNCF, nói rằng Pháp phải “thoát khỏi văn hóa đình công” và chỉ trích những sinh viên tham gia biểu tình phản đối các cải cách giáo dục.
Quyết định bổ nhiệm ông Attal làm Thủ tướng được cho là nỗ lực của Tổng thống Macron để trẻ hóa chính phủ, một phần nhằm thu hút cử tri trẻ tuổi trước cuộc bầu cử quan trọng của Nghị viện châu Âu vào tháng 6, theo Lara Bullens, nhà phân tích của AFP.
Giới quan sát cho rằng nhiệm vụ cấp bách nhất của ông Attal sau khi nhậm chức là đảm bảo chính phủ giành lại được ủng hộ và tín nhiệm của người dân. Ông Macron và các cộng sự hy vọng có thể có vị thế tốt hơn đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của bà Le Pen, người đang giành được ủng hộ ngày càng lớn trong dư luận với quan điểm chống nhập cư và Hồi giáo.
Giống nhiều nơi khác ở châu Âu, phe cực hữu ở Pháp đang tận dụng bức xúc trong dư luận về khủng hoảng sinh hoạt phí và vấn đề nhập cư nhức nhối cũng như nỗi bất bình với giới lãnh đạo để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Tỷ lệ tín nhiệm của ông Macron đã giảm xuống mức 27% vào tháng này, theo cuộc thăm dò hàng tháng của tờ Les Echos.
Cùng ngày ông Attal nhậm chức, một đồng minh hàng đầu của ông Macron cảnh báo châu Âu có nguy cơ trở nên “mất kiểm soát” nếu phe cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và đe dọa làm suy yếu nền tảng của liên minh.
Trong cuộc bầu cử ngày 6-9/6, hơn 400 triệu cử tri tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bầu Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc bầu cử sẽ quyết định thành phần của nghị viện khoảng 700 ghế, có nhiệm vụ giám sát hoạt động lập pháp của châu Âu.
Trong bình luận sau quyết định bổ nhiệm ông Attal, Tổng thống Macron nói có thể tin tưởng vào “nguồn năng lượng và cam kết” của tân Thủ tướng để hồi sinh tinh thần “xuất sắc và táo bạo” hồi năm 2017, thời điểm ông bước vào Điện Elysee.
“Sự trẻ trung của Attal, mức độ ủng hộ của dư luận và năng lực thực sự để lãnh đạo chiến dịch bầu cử vào Nghị viện châu Âu đã tạo ra sự khác biệt”, một nguồn tin thân cận với văn phòng Tổng thống Macron nói về tân Thủ tướng.
Thanh Tâm (Theo The Guardian, AFP, Reuters)