Mạnh mẽ và gắn kết hơn
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã được tăng cường đáng kể trong năm 2023. Điều đó thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao đã diễn ra, phản ánh một sự thay đổi sâu sắc hơn ở Đông Nam Á.
Vì nhiều lý do khác nhau, chuỗi cung ứng đang chuyển sang các nước ở châu Á.
Hiện nay có một động lực thương mại mới ở châu Á. Hoạt động chính sách đối ngoại sâu rộng hơn của Việt Nam phản ánh động lực thương mại đang thay đổi và tầm vóc ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực. Về nhiều mặt, Việt Nam là một điểm sáng so với hầu hết quốc gia Đông Nam Á.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nổi bật là một quốc gia mạnh mẽ và gắn kết hơn. Hoàn toàn hợp lý khi sẽ có nhiều cam kết ngoại giao hơn nữa đối với Việt Nam. Tất cả hình thành nên một mạng lưới có tính cấu trúc lâu dài chứ không phải tạm thời.
TS John Hamre (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) – cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ)
Bản sắc riêng
Chính sách ngoại giao gần đây của Việt Nam là hiện thân của “ngoại giao cây tre”, nhưng không phải giống “ngoại giao cây tre” của Thái Lan như người ta thường nói.
Sự tham dự các vấn đề quốc tế một cách tích cực của Việt Nam về kinh tế, chính trị và quân sự đã nhanh chóng mở rộng song hành cùng sự phát triển kinh tế.
“Ngoại giao cây tre Việt Nam” đã duy trì sự cân bằng, đồng thời tận dụng tối đa mối quan hệ với các nước lớn, theo đuổi chính sách ngoại giao tối ưu bằng cách tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên.
PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công – Trường Khoa học xã hội – Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)
Hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu
Việt Nam tiếp tục chủ động thực hiện ngoại giao theo nguyên tắc “4 không”. Thông qua ngoại giao, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhận đầu tư và viện trợ lớn từ Nhật Bản, đồng thời tăng cường với Mỹ và củng cố quan hệ với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia vào các hiệp định và khuôn khổ kinh tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) là bằng chứng nữa cho thấy cam kết của Việt Nam trong việc hòa nhập vào hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu, đồng thời thể hiện Việt Nam là bạn của tất cả quốc gia.
Khi cạnh tranh địa chính trị ngày càng sâu sắc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, việc hợp tác với Việt Nam trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nhiều quốc gia.
Bởi Việt Nam đáng tin cậy để đa dạng hóa có chọn lọc các chuỗi cung ứng, có sự ổn định đồng thời là đối tác đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực.
GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)
Tiếp tục tự chủ
Việt Nam tiếp tục con đường tự chủ chính sách ngoại giao bằng cách phòng ngừa rủi ro linh hoạt với các bên liên quan trong khu vực.
Đến nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam đã đạt nhiều hiệu quả.
Tất nhiên, Việt Nam vẫn phải tiếp tục nỗ lực để giải quyết các thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Chuyên gia Ryo Hinata-Yamaguchi (Đại học Tokyo, Nhật Bản)
Vai trò quan trọng ở Đông Nam Á
Tháng 9.2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Qua đó, hai nước đã đưa ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đạt nhiều thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ quan hệ chính trị và ngoại giao sâu sắc hơn đến hợp tác khoa học và công nghệ, cho đến hợp tác khoa học và công nghệ…
Thực tế, cả hai nước đều có chung mối quan ngại sâu sắc về những thách thức đang nổi lên trong khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam là một nước đóng vai trò quan trọng ở Đông Nam Á, như cộng đồng quốc tế đã công nhận trong thời gian qua.
Ông Dov S.Zakheim (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên gia của Cơ quan Nghiên cứu CNA)
Chủ động liên kết trong thế giới đa cực
Các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 đã tạo nhiều chuyển biến cho Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã thu hút sự quan tâm hợp tác từ các cường quốc và nhiều đối tác trong khu vực bằng sự khẳng định lòng tin.
Qua đó, Việt Nam đã tăng cường chủ động liên kết trong một thế giới đa cực.
Không chỉ chủ động, chính sách đối ngoại của Việt Nam còn có tính hiệu quả cao thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo nhiều nước, qua đó chỉ ra cấu trúc an ninh khu vực vững chắc mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thiết lập.
Từ nền tảng này, Việt Nam còn là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài song hành việc giúp hoàn thiện cấu trúc an ninh khu vực.
TS Chester B.Cabalza (Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu phát triển quốc tế và hợp tác an ninh, Philippines)
Trung tâm ngoại giao của khu vực
Nhìn vào hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm qua, có thể thấy rằng vị trí địa chiến lược và ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Năm qua, Việt Nam đã trở thành trung tâm ngoại giao của khu vực.
Một mặt, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện một số lượng chuyến thăm nước ngoài nhằm củng cố các mối quan hệ hiện có và có thể nâng tầm các mối quan hệ.
Song song, một số lãnh đạo của các nước lớn cũng đã thăm Việt Nam và cũng đã nâng cấp, củng cố quan hệ.
Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, Việt Nam đã và đang theo đuổi chiến lược đối ngoại bình đẳng, cân bằng và độc lập. Trong môi trường địa chính trị hiện nay ở Indo-Pacific, cách tiếp cận của Việt Nam đã điều hướng một cách thận trọng các động lực phức tạp giữa sự cạnh tranh của các nước lớn. Bằng cách duy trì một chính sách đối ngoại toàn diện, cân bằng và độc lập, Việt Nam bảo vệ quyền tự do hành động và lợi ích quốc gia, đồng thời góp phần ổn định khu vực. Việt Nam thực sự đã có vai trò quan trọng ở Indo-Pacific.
Chuyên gia Fabio Figiaconi (nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Tự do Brussel – VUB, Bỉ)
Vượt qua sự phức tạp
Vào tháng 9.2023, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Tháng 11.2023, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã công bố nâng tầm quan hệ ở mức tương tự. Trước năm 2023, Việt Nam chỉ duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tháng 12.2023, Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với chuyến thăm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Dịp này, hai nước đã đưa ra tuyên bố chung làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Một số quan chức cấp cao của Nga cũng đã thăm Việt Nam.
Qua các hoạt động trên, năm 2023, Việt Nam thể hiện khả năng vượt qua sự phức tạp ngày càng tăng của tình hình địa chính trị toàn cầu và khu vực. Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt đẹp ngay cả với các cường quốc đang cạnh tranh như Mỹ và Trung Quốc.
PGS Ekaterina Koldunova (Khoa Nghiên cứu châu Á – châu Phi, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow – MGIMO, Nga)