Trung Quốc trong đối sách của Tổng thống Trump

Báo Thanh niênBáo Thanh niên09/02/2025


Thắt chặt mạng lưới

Ngày 7.2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Trump nhấn mạnh: "Liên minh giữa hai nước và các nước khác cũng sẽ tiếp tục phát triển lâu dài và trong tương lai". Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Nhà Trắng vào tuần tới. Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14.2. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận một số thỏa thuận về việc Ấn Độ mua thêm khí tài quốc phòng từ Mỹ.

Trung Quốc trong đối sách của Tổng thống Trump- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp hồi năm 2019

Thẩm phán Mỹ ngăn kế hoạch đình chỉ 2.200 nhân viên USAID

Thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang Carl Nichols ngày 7.2 ra lệnh yêu cầu chính phủ Mỹ ngừng việc buộc khoảng 2.200 nhân viên của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nghỉ phép, động thái được coi là kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cắt giảm hoạt động của USAID.

Theo Reuters, phán quyết của thẩm phán Nichols, có hiệu lực đến ngày 14.2, cũng khôi phục công việc cho khoảng 500 nhân viên khác của USAID trước đó bị cho tạm nghỉ. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng bị cấm điều chuyển nhân viên hỗ trợ nhân đạo của USAID đang hoạt động tại nước ngoài.

Bảo Hoàng

Cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đều có thặng dư thương mại với Mỹ, nhưng đến nay ông Trump chưa hề đưa ra thông điệp nào gây sức ép với New Delhi lẫn Tokyo. Thậm chí, Ấn Độ dù bị cho là một trong các nguồn cung cấp fentanyl nhưng cũng chưa bị Washington "gọi tên" như với Canada, Mexico hay Trung Quốc.

Cũng vào ngày 7.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tiếp Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tại Lầu Năm Góc. Sau cuộc gặp, Bộ trưởng Hegseth cho biết Tổng thống Trump ủng hộ thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân trong thỏa thuận AUKUS (gồm 3 bên Mỹ - Anh - Úc), sau khi Úc ngày 7.2 xác nhận khoản thanh toán 500 triệu USD đầu tiên theo thỏa thuận. "Tổng thống rất ủng hộ AUKUS, nhận ra tầm quan trọng của cơ sở công nghiệp quốc phòng", Reuters dẫn lời ông Hegseth phát biểu khai mạc cuộc hội đàm với ông Marles.

Như vậy, chỉ trong hơn 3 tuần kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào ngày 20.1, chính quyền của ông đã liên tục có nhiều hoạt động ngoại giao với 3 thành viên còn lại của nhóm "Bộ tứ" (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) - vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngày 22.1, hội nghị ngoại trưởng 4 thành viên "Bộ tứ" cũng đã diễn ra ở Washington D.C.

Mới đây, ngày 4.2, Mỹ đã điều động 2 máy bay ném bom hạng nặng B-1 Lancer phối hợp 3 chiến đấu cơ FA-50 của Philippines để tập trận ở khu vực Biển Đông. Nhận xét về cuộc tập trận, TS Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: "Động thái này sẽ là bước đi mang tính biểu tượng cho thấy chính quyền của ông Trump sẽ chọn lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc".

Bất đồng sâu sắc

Giữa bối cảnh như vậy, nhiều nguồn tin khẳng định hai bên đang chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trong năm nay.

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, TS Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đánh giá: "Bắc Kinh muốn quan hệ ổn định với Mỹ, đặc biệt là khi Trung Quốc đang phải giải quyết các thách thức kinh tế nghiêm trọng, những lo ngại về ổn định xã hội ngày càng tăng và lực lượng quân đội kém hiệu quả. Về phần mình, Tổng thống Trump cũng muốn một "món hời lớn" mà ông xem là chiến thắng trước Trung Quốc".

"Dù cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Donald Trump đều muốn có một thỏa thuận, nhưng hai bên khó đạt một thỏa hiệp khả thi. Giữa những gì chính quyền ông Trump muốn và những gì Bắc Kinh có thể đáp ứng lại có khoảng cách quá lớn", TS Bremmer nhận định.

Giải thích thêm, vị chuyên gia chỉ ra: "Đối với Trung Quốc, nước này có thể chấp nhận mua nhiều nông sản và năng lượng hơn, đối xử tốt hơn cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, tăng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, thỏa hiệp về TikTok và thậm chí có thể giúp thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine. Nhưng Bắc Kinh cũng sẽ yêu cầu nhượng bộ để đổi lại, đặc biệt là Mỹ rút lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ".

"Nhưng với nhiều thành viên trong nội các của ông Trump vốn có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, thì Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược cần được kiềm chế trong khi Mỹ vẫn có lợi thế. Họ không muốn gì khác hơn là cải cách cơ cấu đối với nền kinh tế Trung Quốc, tách rời hoàn toàn công nghệ và chấm dứt hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Đó là những điều mà ông Tập Cận Bình sẽ không đàm phán", TS Bremmer dự báo.

Chính vì thế, ông cho rằng bất đồng hai bên khó có thể sớm giải quyết và việc Washington tăng thuế 10% nhằm vào hàng hóa Trung Quốc chỉ mới là phát súng đầu tiên trong loạt đạn sắp tới.

Mexico tiếp nhận gần 11.000 người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 7.2 cho hay nước này đã tiếp nhận gần 11.000 người di cư bị Mỹ trục xuất kể từ ngày 20.1, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Bà Sheinbaum cho biết con số nói trên bao gồm khoảng 2.500 người không phải công dân Mexico. Theo Reuters, đầu tuần này, bà Sheinbaum đã đạt thỏa thuận với ông Trump về việc tạm hoãn kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Mexico. Đổi lại, Mexico sẽ triển khai hàng nghìn cảnh sát tới biên giới phía bắc giáp Mỹ nhằm tiếp tục làm giảm dòng người di cư tới Mỹ.

Trí Đỗ



Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-trong-doi-sach-cua-tong-thong-trump-18525020823262754.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available