Được ví như “Hạ Long trên cạn’, Tam Cốc-Bích Động là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài.
Vẻ đẹp của dòng sông Ngô Đồng vào mùa lúa chín. (Ảnh: An Bình) |
Một ngày cuối tháng Năm, chúng tôi xuôi theo thuyền chị lái đò tên Thu, thả mình theo dòng sông Ngô Đồng để về với Tam Cốc-Bích Động. Chiếc thuyền nhỏ, lượn êm ru theo dòng sông được ví như tấm dải lụa mềm mại, uốn lượn những vách núi, hang động hùng vĩ cùng với một màu vàng bạt ngàn của cánh đồng lúa chín.
Không phải vô cớ tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023, cũng như được du khách của Booking.com bình chọn đứng thứ bảy trong top 10 những điểm đến thân thiện nhất thế giới của giải thưởng thường niên lần thứ 11 của Traveller Review Awards.
Là một phần trong Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới (năm 2014), Tam Cốc-Bích Động là điểm đến hoàn hảo cho những ai muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp non sông cùng với hệ thống hang động núi đá vôi ấn tượng và phong cảnh làng quê yên bình.
Ở nơi đây, mỗi mùa đều có một vẻ đẹp riêng nhưng có lẽ mùa mãn nhãn nhất không nên bỏ qua chính là mùa lúa chín.
Mỗi năm, người dân địa phương chỉ có một mùa vụ duy nhất vào khoảng giữa tháng Năm đến hết tháng Sáu với thành quả là những thửa ruộng chín vàng óng ả, tỏa ngát hương bên hai triền sông Ngô Đồng…
Nâng tầm giá trị của nông nghiệp
Không phải lần đầu đặt chân đến, nhưng sau nhiều năm trở lại địa danh này, tôi đã cảm nhận thấy rõ một sắc màu mới của mùa vàng Tam Cốc-Bích Động cùng với sự chuyển mình ấn tượng của du lịch Ninh Bình.
Năm nay, để chào đón những vị khách đầu tiên đến trải nghiệm mùa vàng, cánh đồng lúa được tạo hình nghệ thuật khắc họa bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” với mong muốn nâng tầm giá trị của hoạt động nông nghiệp thông qua hình ảnh cây lúa và gửi gắm mong ước quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đồng thời, bức tranh còn mang thông điệp nông dân hãy cùng với chính quyền tham gia gìn giữ các giá trị văn hóa, thiên nhiên để khai thác du lịch cộng đồng.
Với những ai chưa hiểu được ý nghĩa của cái tên Tam Cốc, nó đơn giản có nghĩa “ba hang”: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang này đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi với nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng.
Được trồng dọc tuyến đường thủy từ Hang Cả-Hang Hai-Hang Ba, cánh đồng lúa được gieo cấy từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng Sáu cho thu hoạch.
Chị lái đò cho chúng tôi biết vào mùa thu hoạch, khách du lịch về đây có dịp được hòa mình vào không khí mùa gặt, tận mắt thấy những hình ảnh chân thực của nông dân như chèo thuyền, gặt lúa, chở lúa và tuốt lúa.
Thời gian thu hoạch lúa kéo dài trong hai tuần, cũng là khoảng thời gian mà dòng sông Ngô Đồng nhộn nhịp nhất. Thuyền thì đưa đón du khách tham quan, thuyền lại chở những niềm vui của một mùa vàng bội thu.
Không chỉ được đi thuyền trên dòng Ngô Đồng, về Tam Cốc-Bích Động còn có thể khám phá hang Múa – nơi có tầm nhìn bao quát Tam Cốc, hay đạp xe vòng quanh các thửa ruộng chín vàng. Ngoài ra, khoảng tháng Năm đến tháng Sáu cũng là thời gian đầm sen ở gần Tam Cốc nở rực rỡ, giữa khung cảnh núi non trùng điệp.
Lạc vào những câu chuyện lịch sử
Điều thú vị trong suốt hành trình khám phá Tam Cốc – Bích Động là chúng tôi được lạc vào không gian của những câu chuyện xa xưa, như tại Đền Thái Vi-nơi thờ phượng các vị vua, tướng lĩnh thời Trần tại Tam Cốc Bích Động.
Trước kia, vùng núi Tràng An-Tam Cốc chính là nơi vua tôi nhà Trần lựa chọn làm nơi xây dựng căn cứ quân sự Hành cung Vũ Lâm để củng cố lực lượng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai.
Nằm yên bình nơi lưng chừng núi Đồng Võ, động Thiên Hương cũng là một trong những địa điểm được nhiều người yêu thích với chiều cao gần 60m, động dài 40m và rộng 20m, có phần vòm động tựa quả chuông lớn.
Động Thiên Hương có phần đỉnh rộng nên mọi người còn thường gọi đây là Động Trời. Đặc biệt, phía trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung-vợ vua Lý Huệ Tông ngày trước, người đã truyền cho nhân dân xã Ninh Hải nghề thêu ren nên mọi người đã dựng miếu thờ cho bà để bày tỏ lòng biết ơn.
Nằm cách bến thuyền Tam Cốc tầm 2km, Bích Động là một động khô nằm trên lưng chừng núi, do tể tướng Nguyễn Khiêm-cha của đại thi hào Nguyễn Du, đặt tên vào năm 1773. Nơi này được ưu ái gọi là “Nam thiên đệ nhị động”, tức động đẹp thứ nhì trời Nam, chỉ xếp sau động Hương Tích.
Đến nơi này cũng không nên bỏ lỡ Động Tiên-một hệ thống gồm ba hang lớn với hệ thống nhũ đá huyền ảo như cây tiên, cây thóc, ông tiên, cô tiên, con voi, sư tử, hổ, kỳ đà, rồng, đại bàng và những đám mây ngũ sắc…
Trải nghiệm chèo thuyền tại Tam Cốc-Bích Động. (Ảnh: An Bình) |
Chuyên nghiệp và thân thiện
Có thể thấy, sự phát triển của du lịch đã làm thay đổi cuộc sống của những người dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, trong đó có nghề chèo thuyền.
Đội ngũ chèo thuyền ở đây hội tụ tất cả hộ dân trong xã từ những người đàn ông, phụ nữ đến những thanh niên trẻ, người già… Để được chèo thuyền trên sông Ngô Đồng, họ phải có hộ khẩu ở địa phương, tự làm thuyền và được Ban quản lý đánh số thứ tự. Cứ lần lượt theo số, tất cả gia đình trong xã đều được quay vòng chèo thuyền phục vụ khách du lịch.
Vừa chèo thuyền, chị Thu cho biết, ngày thường chị đi làm công nhân, chỉ khi nào gia đình đến lượt và vào ngày nghỉ, chị mới có cơ hội đi chở khách du lịch.
Nếu đông khách, chị chèo thuyền thường được khoảng ba chuyến mỗi tháng, mỗi chuyến được khoảng 150.000 đồng. Thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp chị cùng những người dân ở đây có thêm niềm vui và thu nhập trang trải cuộc sống lúc nông nhàn.
Có một điều thú vị là khi tới Tam Cốc sẽ nhìn thấy người dân chèo thuyền bằng chân điêu luyện. Từ con nước chảy ngược, tới những nơi lắm ghềnh đá, hay chui qua hang đá hiểm hóc… họ đều có thể dùng đôi chân để điều khiển con thuyền lao đi nhẹ nhàng trên nước.
Hỏi chị lái đò về kỹ năng này, chị chia sẻ: “Tổng chiều dài cả đi và về tham quan dài tới gần 20km. Nếu chỉ chèo bằng tay sẽ rất mệt và mỏi nên thi thoảng chúng tôi đã dùng chân để đỡ vất vả hơn”.
Ngoài kỹ năng chèo thuyền, người dân vùng Tam Cốc – Bích Động còn giỏi nghề chụp ảnh trên sông nước. Những ai kinh doanh chụp ảnh tại khu du lịch phải đăng ký và sẽ được chụp ảnh theo giờ, theo ngày và tùy vào lượng khách ít hay nhiều.
Để tránh tình trạng tranh giành khách, Ban quản lý khu du lịch đã chia ra nhiều địa điểm cho người dân được chụp ảnh trên sông Ngô Đồng. Mỗi một điểm như thế thường có hai đến ba người thợ chụp ảnh dùng thuyền đi lại để mời khách chụp ảnh.
Theo quy định, khi tiếp cận thuyền, những người chụp ảnh chỉ được chụp khi khách du lịch đồng ý, nếu có hành vi chèo kéo và ép khác sẽ bị xử lý rất nghiêm. Vì thế, dọc sông Ngô Đồng dù có tới năm đến bảy điểm chụp ảnh, nhưng ai cũng hoạt động rất chuyên nghiệp và thân thiện.
Chia tay địa danh được ví như “Hạ Long trên cạn” với tấm hình khá ưng ý được một chị thợ ảnh trả ngay tại bến thuyền, mỗi chúng tôi đều cảm thấy vui và có những ấn tượng đặc biệt về địa danh này cùng sự nhiệt tình và hồn hậu của người dân địa phương…