Trong tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ doanh nhân Việt Nam được kỳ vọng sẽ có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế.
Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII. (Nguồn: TTXVN) |
Nghị quyết 41-NQ/TW được ban hành đúng “Tết Doanh nhân năm 2023” mang nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, hướng tới thực hiện mục tiêu khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Thay cho Nghị quyết 09-NQ/TW được ban hành cách đây 12 năm, bên cạnh kế thừa những nội dung còn nguyên giá trị, Nghị quyết đưa ra những quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ hiện nay.
Khởi đầu mới này lại mang một ý nghĩa hoàn thiện hơn – xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hiện nền kinh tế Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, cùng với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong Top 40 thế giới; quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 thế giới; sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đồng thời đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.
Doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số từ 2-3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu.
Đây là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Nghị quyết 41-NQ/TW như khoác lên một “tấm áo mới rộng và đẹp hơn”, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể thỏa sức sáng tạo, phát triển và thể hiện, như mục tiêu do Nghị quyết 41-NQ/TW đề ra “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.
Trong tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ doanh nhân Việt Nam được kỳ vọng sẽ có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.