Làm gì để thổi bùng năng lực nội sinh của Việt Nam?

Chính phủ nên thành lập một ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ như trước đây đã làm để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cho huy động nguồn lực và tăng trưởng kinh tế.

VietNamNetVietNamNet18/02/2025

Thủ tướng đã gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân và muốn họ phát triển thành trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế để đất nước tăng tốc phát triển 2 con số. Tuần Việt Nam trao đổi tiếp với ông Nguyễn Đình Cung, nguyện Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Trước mắt cần làm gì để kích hoạt và khôi phục lại niềm tin của khu vực doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Cung: Chính phủ có 6 tổ giải quyết vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tôi cho rằng, từ kinh nghiệm đó, Chính phủ nên thành lập một ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ như trước đây đã làm để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cho huy động nguồn lực và tăng trưởng kinh tế.

Trước mắt, Ban này sẽ tập trung chỉ đạo, tạo áp lực cho các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, nhất quán Nghị quyết 02. Thành viên của ban do Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, với nhóm giúp việc là một số cán bộ Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp,… để xác định các vướng mắc, khó khăn, rào cản đối với doanh nghiệp (trong phạm vị nghị quyết) cần tháo gỡ cho từng tháng, từng quý; giao nhiệm vụ và yêu cầu từng Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh giải quyết những rào cản, khó khăn, vướng mức đã được xác định.

Chính phủ nên tổ chức cuộc gặp mặt với đại diện cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cả nước, nghe và tiếp nhận phản ánh thực tế, đa chiều về tâm tư, khó khăn vướng mắc của họ, về thái độ và cách thức làm việc của công chức các cấp trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đâu tư kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều kế sách về cải cách môi trường kinh doanh và nhiều giải pháp giúp việc đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Ông Nguyễn Đình Cung: Nghiên cứu phát triển, tiếp cận và làm chủ được công nghệ phù hợp của doanh nghiệp mới tạo nên bứt phá trong quá trình phát triển. Ảnh: VietNamNet

Tôi tin là Chính phủ sẽ cam kết thực hiện cải cách quyết liệt, nhất quán theo tinh thần tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo nên “đột phá của đột phá” bằng cách ban hành nghị quyết hoặc chỉ thị của Thủ tướng về khắc phục, tháo bỏ ngay các điểm nghẽn, rào cản pháp lý theo danh mục đã tập hợp và lựa chọn nói trên.

Còn về dài hạn, tôi cho rằng, cần xác định nội hàm trọng tâm của cải cách thể chế là cải cách hệ thống pháp luật. Vì thế, cần cải cách hệ thống pháp luật một cách thực chất, triệt để đúng với chủ trương của Đảng “cải cách thể chế là đột phá chiến lược”, và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn” và thực hiện đột phá chiến lược thành “đột phá của đột phá”.

Thưa ông, cần làm như thế nào để xử lý tình trạng “rừng” điều kiện kinh doanh lên đến hàng chục ngàn được cài cắm trong rất nhiều văn bản pháp luật?

Ông Nguyễn Đình Cung: Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Bên cạnh đó, các chỉ đạo rất sát sao, cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm về cải cách thể chế.

Từ đó, tôi cho rằng cần sớm nghiên cứu, bãi bỏ, sửa đổi pháp luật về kinh doanh có điều kiện và chuyển đổi cách thức quản lý sang “hậu kiểm” theo mức độ rủi ro và quy chuẩn, nhất là quy chuẩn phổ biến theo thông lệ quốc tế.

Rà soát, bãi bỏ khoảng 2/3-3/4 số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư và tại các luật chuyên ngành có liên quan. Bãi bỏ tất cả các điều kiện với ngành nghề kinh doanh.

Bên cạnh đó, xác định lại số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để đảm bảo mục tiêu quản lý rõ ràng, và phải bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể; không được hiểu và tuân thủ được một cách thống nhất.

Điều quan trọng nhất là phải chuyển sang “hậu kiểm” đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo các quy chuẩn ngành được quy định với thông lệ quốc tế phổ biến.

Phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số là một trong những “đột phá của đột phá” thể chế cho phát triển. Ông có gợi ý về chính sách như thế nào cho các doanh nghiệp lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Đình Cung: Nghiên cứu phát triển, tiếp cận và làm chủ được công nghệ phù hợp của doanh nghiệp mới tạo nên bứt phá trong quá trình phát triển.

Tuy vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam không khuyến khích, mà lại hạn chế, làm thui chột đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, nhu cầu của các doanh nghiệp về nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo là rất thấp.

Họ rất thiếu nguồn lực cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp chỉ được trích không quá 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ khoa học công nghệ, nhưng không được tự chủ sử dụng phù hợp với nghiên cứu phát triển; và nếu không sử dụng hết trong năm tài chính thì phải chuyển giao cho quỹ của nhà nước; tức là phải chuyển giao (không bồi hoàn) một phần tài sản của mình cho nhà nước. Với cách thức quản lý như trên, doanh nghiệp không lập quỹ có lợi hơn doanh nghiệp thành lập quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ.

Tôi cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các luật về khoa học công nghệ, luật sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, và các luật khác có liên quan để tạo khung khổ pháp lý cho vận hành và phát triển thị trường khoa học công nghệ, tăng nhu cầu và năng lực nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp và đội ngũ các tổ chức nghiên cứu phát triển của quốc gia.

Khung khổ pháp lý đó phải đặt ra mục tiêu khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội đầu tư và mở rộng không gian phát triển. Từ đó, gia tăng nhu cầu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp được quyền thành lập Quỹ nghiên cứu phát triển; doanh nghiệp được quyền trích hàng năm 5-10% lợi nhuận trước thuế vào quỹ; không hạn chế quy mô của quỹ. Doanh nghiệp có quyền tự chủ sử dụng Quỹ để đầu tư nghiên cứu phát triển theo cơ chế khoán sản phẩm; bãi bỏ cơ chế chi theo định mức; chấp nhận đầu tư mạo hiểm mà không có kết quả như mong muốn.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá ngày 10/02 vừa qua. Ảnh: VGP

Luật khoa học công nghệ đang sửa đổi cần có thêm quy định về thành lập và hoạt động của các Viện, tổ chức nghiên cứu tư nhân về khoa học công nghệ. Các tổ chức này có quyền, nghĩa vụ và hoạt động như doanh nghiệp; và được hưởng chế độ ưu đãi như thuế VAT 0%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, người nước ngoài có thể là Viện trưởng…

Đất đai đã trở nên cực kỳ đắt đỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, giải pháp là gì?

Ông Nguyễn Đình Cung: Tiếp cận đất đai để thực hiện đầu tư kinh doanh luôn là rào cản vô cùng lớn đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Luật đất đai hiện hành, nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu theo cơ chế đấu giá, hoặc đấu thầu chọn nhà đầu tư, trừ một số dự án quan trọng quốc gia.

Cơ chế như vậy đã loại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi các phiên đấu giá. Ngoài ra, giá đất được giao hay cho thuê xác định theo giá thị trường có tính đầu cơ, cao vượt mức chi trả của dự án đầu tư kinh doanh, làm cho chi phí đầu tư quá cao; các dự án đầu tư liên quan khó khả thi về tài chính; làm thui chột tinh thần, đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Các khu công nghiệp lâu nay được xây dựng chủ yếu phục vụ đầu tư nước ngoài hơn là các doanh nghiệp trong nước. Không tiếp cận được đất đai, thì chắc chắn doanh nghiệp không thể đầu tư phát triển, nhất là vào các ngành công nghiệp chế tác chế tạo, logistics và bán buôn, bán lẻ quy mô lớn.

Trước thực tế đó, tôi cho rằng cần xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai theo hướng: (1) áp dụng linh hoạt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quá trình phát triển cụ thể ở từng ngành, địa phương và quốc gia và (2) xây dựng khung pháp lý cho xây dựng và hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất, nhất là quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Cần giao đất không thu tiền thuê đất cho các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp có kinh nghiệm, có uy tín để xây dựng các khu công nghiệp chỉ dành cho các nhà đầu tư trong nước. Giải pháp này giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tiếp cận mặt bằng sản xuất công nghiệp với chi phí chấp nhận được; bằng cách này giúp xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Tóm lại, tôi cho rằng, tuy đã có nhiều cải cách, hoàn thiện trong mấy chục năm qua, nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam còn không ít khiếm khuyết lớn. Đó trước hết là hệ thống pháp luật đã trở thành điểm nghẽn ngăn cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh, triệt tiêu đổi mới sáng tạo, rất khó tuân thủ, và nhất là tạo ra rủi ro pháp lý, gồm cả rủi ro hình sự hoá… làm thui chột, suy giảm lòng tin kinh doanh; làm cho đa số người đầu tư và doanh nghiệp không muốn lớn. Một số khác muốn lớn lên, thì tại các thời điểm bước ngoặt của sự phát triển, họ không huy động được các nguồn lực như vốn, công nghệ… để tận dụng cơ hội, bứt phá phát triển.

Đây là thời cơ vô cùng lớn để thay đổi thực tế đó.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/lam-gi-de-thoi-bung-nang-luc-noi-sinh-cua-viet-nam-2372292.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available