Con của em sinh giữa tháng 7, hiện thóp đỉnh đầu không thấy phập phồng “thở”, tại sao và tình trạng này có nguy hiểm không? (Hà My, An Giang)
Trả lời:
Con người thở, trao đổi oxy tại phổi. Thóp hoàn toàn không tham gia vào hoạt động hô hấp, do đó, dân gian hay gọi “thóp thở” là không đúng. Ở một số trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể thấy thóp phập phồng khi khóc, rặn, là do vùng não bé có thóp chưa được xương lấp kín, gọi là chưa đóng thóp.
Lúc chào đời, đầu trẻ có hai thóp là thóp trước và sau, dễ sờ thấy mềm khi tắm, gội, đội mũ cho bé. Thóp trước hình tứ giác, kích thước 2,5 x2,5 cm, được che bởi màng xơ, sẽ đóng vào lúc 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, hơn 27% trẻ đóng thóp trước vào lúc 12 tháng tuổi.
Thóp sau có cấu tạo hình tam giác giới hạn bởi xương đỉnh và xương chẩm (xương chưa che kín hết hộp sọ). Thông thường, sau khi sinh ra thóp này rất nhỏ chỉ bằng đầu móng tay bé, khó phát hiện và đóng sau 2-3 tháng tuổi.
Thóp đóng sớm nhưng chu vi vòng đầu của trẻ vẫn đạt tiêu chuẩn và phát triển bình thường thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trẻ đóng thóp sớm cần được theo dõi. Nếu chu vi vòng đầu của trẻ thay đổi khác so với tiêu chuẩn, bác sĩ cần khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân. Thóp đóng sớm và chu vi vòng đầu nhỏ so với lứa tuổi, trẻ có thể bị tật đầu nhỏ.
Nếu thóp dãn và đóng trễ, khả năng trẻ mắc bệnh lý còi xương, dãn não thất, tăng áp lực nội sọ, suy giáp… Nếu thóp trũng xuống, coi chừng trẻ bị mất nước, suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng.
Trẻ sơ sinh có thóp phồng lên cũng cần lưu ý một số bệnh lý, như viêm não màng não, xuất huyết não, não úng thủy… hoặc sử dụng một số loại thuốc, cần đưa đi khám ngay.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh
Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |