Pháp đứng trước “lằn ranh đỏ”
Hãy cùng nhìn vào những gì đang diễn ra tại Pháp. Hàng dài máy kéo đã chặn các đường cao tốc gần Paris và trên khắp nước Pháp hôm thứ Hai, khi những người nông dân tức giận tìm cách gây áp lực lên chính phủ để yêu cầu cải thiện các quy định hành chính quan liêu cũng như các quy định xanh cứng nhắc, cải thiện thu nhập và giúp họ cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.
Cuộc biểu tình của nông dân Pháp đã bước sang tuần thứ hai, sau khi khởi phát ở vùng Tây Nam đất nước và đang lan rộng thành một cuộc khủng hoảng toàn quốc. Người biểu tình đổ nông sản nhập khẩu ra đường, mang cỏ khô tới đốt trước cửa các cơ quan công quyền, thậm chí có nơi người ta mang cả phân đổ ra trước tòa thị chính. Họ mang hàng nghìn máy kéo diễu hành trên các con đường, làm tắc nghẽn những xa lộ huyết mạch của Pháp như xa lộ A7 và A9 dẫn tới Tây Ban Nha.
Tân thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã tới thăm một trang trại ở vùng Tây Nam, nơi các cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra, để xoa dịu cơn giận của người nông dân bằng những phát biểu rất cầu thị.
Nhà lãnh đạo 34 tuổi cho biết chính quyền sẽ hủy bỏ kế hoạch giảm trợ cấp của nhà nước đối với nhiên liệu diesel được sử dụng trong xe tải và các máy móc nông nghiệp, cắt giảm nhiều quy định quan liêu tốn với nông dân và đàm phán với các nhà bán lẻ, nhà phân phối để giúp nâng cao giá trị nông sản…
Nhưng các cam kết ấy dường như là chưa đủ. Arnaud Rousseau, người đứng đầu hiệp hội nông dân lớn nhất nước Pháp FNSEA, cho biết trên đài phát thanh RTL rằng “còn rất nhiều yêu cầu mà thủ tướng vẫn chưa đáp ứng” và những gì ông Attal nói chưa làm nguôi cơn giận của người nông dân.
“Mục tiêu của chúng tôi là gây áp lực lên chính phủ để chúng tôi có thể nhanh chóng tìm ra giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Các cuộc biểu tình sẽ kéo dài, bao lâu cũng được”, Rousseau tuyên bố. Và đi kèm với những lời đe dọa ấy, những đoàn máy kéo đang tiến về bao vây Paris. Họ làm tắc nghẽn 8 tuyến đường cao tốc lớn quanh thủ đô từ thứ Hai vừa qua. Nhiều nông dân đã treo cờ và biểu ngữ lên máy kéo của họ. Một máy kéo mang tấm biển có dòng chữ “Người nông dân giận dữ”, một chiếc khác viết: “Quá nhiều thuế, quá nhiều quy định, không có thu nhập để sống”.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Gérald Darmanin cho biết 15.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động để ngăn chặn xe đầu kéo tiến vào Paris và các thành phố khác nơi các cuộc biểu tình đang diễn ra, đồng thời để duy trì đường vào sân bay Charles de Gaulle-Roissy ở phía bắc thành phố và sân bay Orly ở phía nam, cũng như chợ thực phẩm tươi sống chính của khu vực tại Rungis, chợ lớn nhất ở châu Âu.
Ông Darmanin, người cho tới nay vẫn yêu cầu lực lượng an ninh không được trấn áp mạnh tay, đã cảnh báo nông dân rằng việc phong tỏa Rungis, nơi cung cấp 60% thực phẩm tươi sống của Paris cho khoảng 12 triệu người, sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Vì đâu nên nỗi?
Hiện tại, Thủ tướng Attal đang gặp gỡ đại diện của các hiệp hội nông dân lớn nhất nước Pháp ở Paris để tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Đây có thể xem như thử thách lớn ập đến ngay trong những ngày “trăng mật” của ông Attal, người mới được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp hôm 9/1. Một thử thách không dễ vượt qua vì các vấn đề mà nông dân Pháp gặp phải chẳng hề mới.
Nông dân ở Pháp, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, cho biết họ không được trả đủ lương và bị bóp nghẹt bởi những quy định quá mức về bảo vệ môi trường. Một số mối lo ngại của họ, như cạnh tranh từ hàng nhập khẩu rẻ hơn và các quy định về môi trường, được các nhà sản xuất ở phần còn lại của EU chia sẻ trong khi đối với Pháp thì không như vậy.
Nông dân cho rằng nỗ lực của chính phủ và các nhà bán lẻ nhằm giảm lạm phát lương thực đã khiến nhiều nhà sản xuất không thể trang trải chi phí năng lượng, phân bón và cước vận chuyển cao. Kế hoạch của chính phủ nhằm loại bỏ dần việc giảm thuế cho nông dân sử dụng nhiên liệu diesel, như một phần của chính sách chuyển đổi năng lượng rộng hơn, cũng là một điểm nóng.
Hàng nhập khẩu lớn từ Ukraine, mà EU đã miễn hạn ngạch và thuế kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như các cuộc đàm phán để ký kết thỏa thuận thương mại giữa EU và khối Nam Mỹ Mercosur, đã làm dấy lên sự bất mãn của nông dân Pháp về cạnh tranh không lành mạnh về đường, ngũ cốc và thịt. Họ phản đối hàng nhập khẩu vì gây áp lực lên giá nông sản tại Pháp trong khi không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường áp đặt cho nông dân EU.
Nông dân Pháp gặp vấn đề với cả các quy định trợ cấp của EU, chẳng hạn như yêu cầu sắp tới là để lại 4% đất nông nghiệp bị bỏ hoang để phục hồi hệ sinh thái. Các chính sách xanh này được coi là mâu thuẫn với mục tiêu nhằm trở nên tự cung tự cấp hơn trong sản xuất lương thực và các hàng hóa thiết yếu khác của Pháp.
Những tranh cãi về các dự án thủy lợi và những lời chỉ trích về phúc lợi động vật và thuốc trừ sâu đã làm tăng thêm cảm giác của tầng lớp nông dân Pháp về việc bị xã hội coi thường. Trong khi đó, những thủ tục hành chính quan liêu làm người nông dân thêm tức giận. Nông dân cho biết, bình quân mỗi tháng họ mất tới 60 giờ cho các công việc giấy tờ hành chính, quá nhiều trong bối cảnh cuộc sống của họ ngày càng khó khăn.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Chính phủ Pháp đã hứa sẽ có thêm các biện pháp giúp đỡ người nông dân trong vòng vài ngày tới. Hỗ trợ thêm cho các nhà sản xuất rượu vang bị ảnh hưởng bởi mức tiêu thụ giảm đang được nghiên cứu trong khi các biện pháp bổ sung cho chăn nuôi cũng được mong đợi.
Do hầu hết các chính sách và trợ cấp nông nghiệp được xác định ở cấp EU, Paris đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ các đối tác của mình, chẳng hạn như cố gắng xây dựng sự hỗ trợ cho việc từ bỏ yêu cầu đất hoang, một vấn đề mà Tổng thống Emmanuel Macron có thể thúc đẩy tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU vào thứ Năm.
Về thương mại, một lĩnh vực khác được thực hiện ở cấp EU, Bộ trưởng Nông nghiệp Marc Fesneau kêu gọi các biện pháp ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Ukraine gây bất ổn cho thị trường EU, đặc biệt là đường, thịt gia cầm và trứng. Điều đó đánh dấu sự thay đổi của Paris, nước trước đây phản đối các động thái của các nước Đông Âu nhằm hạn chế dòng sản phẩm của Ukraine.
Những gì xảy ra tại Pháp đang được nông dân các nước châu Âu theo dõi sát sao. Bởi những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp đang là vấn đề không chỉ Pháp phải đối mặt.
Đức hồi đầu tháng này cũng phải đối mặt với căng thẳng, với các cuộc biểu tình nổ ra sau khi chính phủ quyết định loại bỏ dần việc giảm thuế đối với dầu diesel nông nghiệp trong nỗ lực cân bằng ngân sách năm 2024. Thủ đô Berlin gần như rơi vào tình trạng bế tắc khi một trong những đại lộ trung tâm tràn ngập xe tải và máy kéo, giống những gì xảy ra tại Paris. Đến hôm qua, hàng trăm máy kéo tiếp tục kéo đến phong tỏa cảng Hamburg, một trong những cảng hàng hóa tấp nập nhất châu Âu.
Giao thông xung quanh thủ đô của Bỉ cũng bị gián đoạn do những người nông dân giận dữ hôm thứ Hai và khoảng chục máy kéo đã đi qua khu vực EU của Brussels và bấm còi inh ỏi. Truyền thông Bỉ đưa tin, nông dân đã dừng khoảng 5 xe tải chở rau Tây Ban Nha và đổ sản phẩm gần trung tâm phân phối của nhà bán lẻ Bỉ Colruyt gần Brussels.
Nông dân và tài xế xe tải ở Romania cũng đã hành động trong tháng này với các cuộc biểu tình phản đối chi phí kinh doanh cao cản trở việc tiếp cận cửa khẩu biên giới với Ukraine. Cũng có các cuộc biểu tình ở Ba Lan, nơi những người nông dân bất mãn lái máy kéo diễu hành qua các thành phố lớn để phản đối cái mà họ gọi là sự cạnh tranh “không công bằng” từ nước láng giềng Ukraine.
Nông dân Ba Lan lên án hoạt động thương mại miễn thuế của EU với Ukraine, nói rằng điều đó đang cắt giảm sinh kế của họ. Họ cũng phản đối các quy định bảo vệ môi trường của châu Âu, vì cho rằng nó làm giảm sản lượng và thu nhập của họ. Nhằm xoa dịu cơn giận dữ của nông dân, Thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk cho biết các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức với chính phủ Ukraine để đảm bảo rằng sản xuất nông nghiệp và thị trường không bị đe dọa bởi “dòng nông sản không kiểm soát được từ Ukraine tràn vào”.
Nói là vậy, nhưng để thực hiện được những cam kết với người nông dân thì Ba Lan cũng như nhiều nước châu Âu còn phải nỗ lực nhiều, bởi những thỏa thuận quốc tế không dễ mà đảo chiều hoặc điều chỉnh trong khi những chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp khó vì bức tranh kinh tế ảm đạm. Do đó, làn sóng biểu tình của nông dân các nước châu Âu vẫn đứng trước nguy cơ lan rộng trong thời gian tới.
Quang Anh