Cảnh sát cho biết các đường phố dẫn đến Cổng Brandenburg của Berlin đã bị tắc nghẽn do xe tải và máy kéo vào thứ Hai (15/1) khi hơn 10.000 nông dân đổ về thủ đô của Đức.
Nhiều cuộc biểu tình khác đã được lên kế hoạch trên khắp đất nước trong bối cảnh chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đang nỗ lực khắc phục cuộc khủng hoảng ngân sách. Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Đức đã suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Các tình trạng tắc nghẽn đường lớn đã trải dài khắp các thành phố từ đông sang tây bao gồm Hamburg, Cologne, Bremen, Nuremberg và Munich – với tới 2.000 máy kéo tham gia các cuộc biểu tình.
Bên ngoài các thành phố, các đường cao tốc của Đức cũng là mục tiêu của người biểu tình, làm gián đoạn giao thông nghiêm trọng.
Nông dân đang phẫn nộ về các kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính quyền ông Scholz, gồm cắt giảm các khoản giảm thuế cho nông nghiệp.
Martin, một nông dân biểu tình ở Berlin ở Rügen, cho biết: “Chính quyền không nghe thấy chúng tôi, họ đưa ra những quy định gây tổn hại cho mỗi người trong chúng tôi, không chỉ người nông dân mà tất cả mọi người trên đất nước này”. Steven, một nông dân đến từ Tây Pomerania cho biết: “Tất cả nông dân đứng đây đều lo lắng cho sinh kế của họ…”.
Chính quyền của Thủ tướng Scholz đã gây ra phản ứng dữ dội vào tháng 12 khi thực hiện những thay đổi bất ngờ đối với dự thảo ngân sách năm 2024, sửa đổi một số khoản cắt giảm trợ cấp theo kế hoạch vào ngày 4 tháng 1.
Đảng cực hữu AFD của Đức ngày càng thể hiện sự hiện diện của mình trong các cuộc biểu tình tuần này. Một số máy kéo đã được trang trí bằng các áp phích AfD với dòng chữ “Nông dân của chúng ta là trên hết” và “Đức cần các cuộc bầu cử mới”.
Mai Vân (theo CNN)