Nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đang tìm cách đặt chân lên Mặt Trăng để khai thác nguồn tài nguyên băng nước quý giá.
Vào ngày 6/12/1968, tạp chí Time xuất bản số báo có trang bìa mang hình ảnh ẩn dụ: một nhà du hành Liên Xô và một phi hành gia Mỹ đang chạy đua tới Mặt Trăng. Cuộc đua trong không gian đã nổ ra trước đó một thập kỷ, khi Liên Xô phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên, vào năm 1957. Chưa đầy một năm sau khi Time phát hành trang bìa đặc biệt, các phi hành gia trong nhiệm vụ Apollo 11 của Mỹ hạ cánh trên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969. Sự hào hứng nhanh chóng phai nhạt. Người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng là phi hành đoàn Apollo 17 năm 1972. Cho tới nay, chưa có ai quay trở lại Mặt Trăng, theo Popular Science.
Nhưng điều đó sắp thay đổi. NASA cam kết đưa phi hành gia lên Mặt Trăng lần nữa vào năm 2025 trong chương trình Artemis. Trung Quốc lên kế hoạch đưa người tới Mặt Trăng năm 2030. Trong khi đó, số nhiệm vụ tự động tới vệ tinh tự nhiên của Trái Đất ngày càng tăng. Nga quay trở lại cuộc đua lần đầu tiên sau 47 năm với nhiệm vụ Luna 25 đâm xuống bề mặt Mặt Trăng cuối tuần trước. Ấn Độ hy vọng có thể hạ cánh nhẹ nhàng ở cực nam Mặt Trăng hôm 23/8 với tàu đổ bộ Chandrayaan-3. Trong tình hình nhiều quốc gia hướng tới Mặt Trăng như vậy, liệu thế giới có đứng trước cuộc đua không gian thứ hai?
Theo Cathleen Lewis, quản lý chương trình vũ trụ quốc tế ở Bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia Smithsonian, đây không phải là một cuộc đua mới. Lewis ví tình huống giống một cơn sốt vàng hơn, hay chính xác hơn là “sốt băng”. Năm 2018, các nhà khoa học phát hiện băng nước lưu trữ khu vực bóng tối vĩnh cửu của những miệng hố vùng cực. Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đều nhắm tới cực nam của Mặt Trăng, nơi có nguồn tài nguyên đóng băng này. Nước có thể dùng để tạo ra nhiên liệu tên lửa hoặc sản xuất. Nhưng phóng tàu chở nước từ Trái Đất rất nặng và tốn kém. Lewis cho biết các cơ quan vũ trụ vẫn chưa tìm ra cách sử dụng băng nước. “Nhưng mọi người đều muốn tới đó do biết có thể tìm thấy băng nước.
Nền tảng công nghệ cho hoạt động đó khác hoàn toàn so với giữa thế kỷ 20. Hồi đó, Mỹ và Liên Xô phát triển công nghệ để tới Mặt Trăng đầu tiên. Liên Xô gặp khó khăn trong việc phát triển phương tiện đủ mạnh để phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt Trăng. Trong khi đó, Mỹ chế tạo Saturn V, tên lửa mạnh nhất từng phóng cho tới khi tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA bay lần đầu cuối năm 2022.
Hiện nay, nhiều quốc gia, thậm chí công ty tư nhân, có khả năng đưa tàu vũ trụ tới Mặt Trăng. Mục tiêu không còn là thể hiện sự ưu việt về mặt công nghệ nữa. Thay vào đó, các quốc gia ráo riết làm chủ công nghệ có thể trở thành điều kiện tiên quyết để có kinh tế độc lập và sung túc. Vì vậy, “đây là những chương trình sinh tồn thiết yếu để tồn tại ở thế kỷ 21”, Lewis nhận định.
Theo cảm quan này, làn sóng chương trình Mặt Trăng hiện nay rất khác trong quá khứ do tập trung nhiều hơn về kinh tế, thay vì đóng vai trò như cuộc cạnh tranh phi quân sự giữa hai cường quốc. Ví dụ, Trung Quốc đã mở rộng khám phá vũ trụ tương ứng với mức độ phát triển kinh tế trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, tình huống không phải luôn giữ nguyên như vậy. Một khi các nước hoạt động thường xuyên trên Mặt Trăng, khả năng phát sinh xung đột sẽ tăng lên bởi vấn đề ai có quyền khai thác và đào tài nguyên vẫn chưa được giải quyết. Hiệp ước không gian vũ trụ năm 1967 cấm các nước tuyên bố chủ quyền trên những thiên thể, nhưng cho phép sử dụng tài nguyên ở đó. Hiệp ước không làm rõ mục đích sử dụng tài nguyên có bao gồm khai thác vật liệu để kiếm lợi nhuận trên Trái Đất hay không.
Tuy nhiên, giới luật sư và ngoại giao có thể còn nhiều thời gian để xác định cụ thể bởi theo Lewis, Mặt Trăng dễ bay đến hơn nhiều so với cách đây 60 năm nhưng khó đặt chân lên, ví dụ thất bại từ nhiệm vụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ năm 2019 hay nhiệm vụ Luna 25 mới đây của Nga.
An Khang (Theo Popular Science)