Trung QuốcSự lo ngại về việc làm hư hại công trình và những cạm bẫy chết chóc bên trong khiến lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn đóng kín suốt hơn 2.000 năm.
Năm 1974, các nông dân tình cờ tìm thấy một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất mọi thời đại trên một cánh đồng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Trong lúc đào xới, họ tìm thấy những mảnh vỡ của tượng người làm từ đất sét. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Những chuyến khai quật sau đó hé lộ, cánh đồng nằm trên nhiều chiếc hố chứa hàng nghìn tượng binh lính và ngựa chiến bằng đất nung với kích thước thật, ngoài ra còn có tượng những người biểu diễn nhào lộn, quan lại và động vật. Nhiệm vụ của đội quân đất nung có vẻ là bảo vệ lăng mộ gần đó của Tần Thủy Hoàng – hoàng đế đầu tiên của nhà Tần, cai trị năm 221 – 210 trước Công nguyên.
Trong khi các chuyên gia đã khám phá phần lớn khu nghĩa địa xung quanh, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng lại chưa bao giờ được mở ra. Có lẽ chưa ai từng nhìn vào bên trong lăng mộ suốt hơn 2.000 năm qua, kể từ khi vị hoàng đế nổi tiếng được chôn cất bên trong.
Một trong những lý do quan trọng là các nhà khảo cổ lo ngại việc khai quật có thể khiến lăng mộ hư hại và làm mất những thông tin lịch sử quan trọng. Hiện tại, nếu muốn tiến vào lăng mộ, họ chỉ có thể sử dụng các kỹ thuật khảo cổ xâm lấn, nhiều khả năng gây ra thiệt hại không thể khắc phục.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là chuyến khai quật thành phố Troy của nhà khảo cổ Heinrich Schliemann vào những năm 1870. Do vội vàng và suy nghĩ đơn giản, hành động của ông đã phá hủy gần như mọi dấu vết của chính thành phố mà ông muốn khám phá.
Các nhà khảo cổ chắc chắn không muốn trở nên mất kiên nhẫn và mắc sai lầm tương tự. Họ từng đề xuất dùng những kỹ thuật không xâm lấn để quan sát bên trong ngôi mộ. Một trong những ý tưởng này là sử dụng hạt muon – sản phẩm hạ nguyên tử hình thành khi tia vũ trụ va chạm với các nguyên tử trong khí quyển Trái Đất, có thể xuyên qua các cấu trúc như một dạng tia X tiên tiến. Tuy nhiên, có vẻ hầu hết những đề xuất này đều đang bị chậm triển khai.
Việc mở hầm mộ cũng có thể dẫn đến những nguy hiểm chết chóc và tức thì. Trong một tài liệu được viết khoảng 100 năm sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, nhà sử học Trung Quốc cổ đại Tư Mã Thiên cho biết, hầm mộ có những cạm bẫy để lấy mạng bất cứ kẻ xâm nhập nào.
“Các cung điện và tháp ngắm cảnh cho cả trăm viên quan được xây dựng, hầm mộ cũng chứa đầy đồ tạo tác quý hiếm và kho báu tuyệt vời. Thợ thủ công được lệnh làm nỏ và tên để bắn bất cứ ai bước vào lăng mộ. Thủy ngân dùng để mô phỏng các con sông, sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, biển lớn và được thiết lập để chảy một cách cơ học”, ông viết.
Kể cả khi các vũ khí không còn hiệu quả sau 2.000 năm, tài liệu trên cho thấy một cơn lũ thủy ngân lỏng độc hại có thể cuốn trôi những kẻ đào mộ. Thực tế, các nghiên cứu khoa học cũng đã kiểm tra nồng độ thủy ngân xung quanh hầm mộ và phát hiện nồng độ cao hơn đáng kể so với mức nên có ở một vùng đất bình thường.
“Thủy ngân dễ bay hơi có thể thoát ra qua các vết nứt (vết nứt xuất hiện bên trong cấu trúc qua thời gian) và cuộc điều tra của chúng tôi củng cố cho những ghi chép cổ xưa về hầm mộ – cấu trúc được cho là chưa từng bị mở ra hay cướp phá”, nhóm chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quang Điện từ thuộc Đại học Sư phạm Nam Trung Quốc và Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng kết luận trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature năm 2020.
Hiện tại, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn niêm phong và chưa được khám phá, nhưng không hề bị quên lãng. Trong tương lai, có thể tiến bộ khoa học sẽ giúp khám phá những bí ẩn đã nằm nguyên vẹn ở đây suốt hơn 2.000 năm.
Thu Thảo (Theo IFL Science)