Bộ Công Thương nâng cao năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành sữa Phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam theo hướng hiện đại |
PGS. TS Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có những chia sẻ về việc phát triển vùng nguyên liệu sữa, xây dựng thương hiệu cho sữa Việt tại buổi Tọa đàm “Xây dựng Mang Yang – Gia Lai thành thiên đường bò sữa”, do Báo Thanh niên tổ chức sáng 16/4.
PGS-TS Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam |
Theo PGS-TS Trần Quang Trung, cơ cấu doanh thu thị trường sữa Việt Nam chủ yếu sữa nước và sữa bột chiếm thị phần trên 70%, tiếp đó là các sản phẩm sữa chua. Hàng năm, sản lượng sữa luôn được duy trì đà tăng trưởng. Riêng năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa tươi của cả nước ước đạt 1.860,8 triệu lít, tăng 7,5% so với năm 2022; sữa bột đạt 154.800 tấn, tăng nhẹ 0,1% so với năm 2022.
Sản lượng sữa nước và sữa bột giai đoạn 2019-2023. Nguồn: Hiệp hội Sữa Việt Nam |
“Nhiều năm qua, ngành sữa của Việt Nam nhận được sự quan tâm của Nhà nước và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư công nghệ, nhiều nhà máy mới với công nghệ hiện đại đã đưa vào sản xuất chế biến. Các đàn bò sữa với giống cao sản đã được nhập khẩu, với nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng quy mô lớn gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn. Tính đến nay, cả nước có hơn 1.700 trại bò sữa, với quy mô trung bình 37,4 con/trại và nhiều trang trại nuôi quy mô lớn từ 2.000 con đến vài chục nghìn con. Ngoài ra còn có gần 28.700 hộ chăn nuôi bò sữa… ”– ông Trần Quang Trung thông tin.
Tuy vậy, hiện sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên đây vẫn là ngành có nhiều tiềm năng phát triển.
“Theo số liệu thống kê, nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn thấp, chỉ đạt 26 – 28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80 – 100 lít/người/năm. Tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng cường về dinh dưỡng và miễn dịch của người dân và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại”- ông Trần Quang Trung nói.
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và khi đời sống kinh tế phát triển, người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm mới, sản phẩm hữu cơ. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa bột, sản phẩm probiotic… dùng cho những nhóm đối tượng: người cao tuổi, người mắc bệnh nền, ung thư, tiểu đường… sẽ có xu hướng tăng cao hơn.
Theo ông Trần Quang Trung, nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi, nhiều doanh nghiệp ngành sữa đã chủ động xây dựng và hoàn thiện trang trại nuôi bò sữa; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ có liên kết sản xuất với hộ chăn nuôi bò để đảm bảo an ninh sữa nguyên liệu, tạo việc làm, giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa. Một số doanh nghiệp đã hoàn thiện và xây dựng mới nhiều trang trại nuôi bò sữa quy mô lớn, theo chuẩn Global G.A.P, trang bị công nghệ cao, tự động hóa, khép kín từ đồng cỏ đến trang trại; nhập thêm các giống bò cao sản và chất lượng cao từ Mỹ, Úc,…
Đáng chú ý, bên cạnh việc đầu tư các nhà máy công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp quan tâm chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao với việc xây dựng các trang trại theo mô hình nông nghiệp bền vững điển hình, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thực hành nông nghiệp tái tạo, sử dụng năng lượng xanh – sạch.
Về nơi phát triển vùng nguyên liệu sữa, theo ông Trần Quang Trung, lâu nay, các doanh nghiệp phát triển đàn bò sữa thường chọn những nơi có khí hậu mát để phát triển đàn bò sữa có chất lượng và năng suất cao như Đà Lạt, Mộc Châu… Điển hình ngoài các địa danh nổi tiếng lâu đời như Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Mộc Châu (Sơn La) thì Mang Yang (Gia Lai) được xem như một ốc đảo xanh tươi, cách biệt hoàn toàn với sự náo nhiệt của đô thị. Tại Mang Yang, hệ thống sông suối tương đối dày, phân bổ rộng khắp địa bàn. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển đàn bò sữa.
“Sự kết hợp giữa môi trường thiên nhiên thuần khiết, với việc nhập giống bò sữa cao sản và công nghệ sản xuất hiện đại sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nguồn sữa tươi dồi dào, chất lượng”- ông Trần Quang Trung nhận định.
Hiện nhiều sản phẩm sữa mang thương hiệu của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. |