Bác sĩ dinh dưỡng nhi cảnh báo: gần 50% trẻ em không nạp đủ dưỡng chất
Theo báo cáo của NielsenIQ về thị trường sữa nước tại Việt Nam từ tháng 9.2022 đến tháng 8.2023, ngành hàng sữa chua uống và sữa trái cây đã tăng hơn 26%; trong khi ngành hàng sữa nước đã sụt giảm 8% về doanh số bán hàng. Đây cũng là một bằng chứng về thực trạng đáng buồn, khi đều có chữ “sữa” trong tên gọi, nhưng chưa chắc sản phẩm đã mang lại giá trị dinh dưỡng như nhau.
Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ uống nước giải khát chứa nhiều đường sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của xương và răng, gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe. Lượng đường cao trong nước trái cây và nước giải khát chứa sữa còn làm tăng mỡ xấu trong máu và tăng mỡ nội tạng, có thể gây ra gan nhiễm mỡ ở trẻ em và các hệ lụy khác. Có lẽ vì thế nên sau một thời gian dài cho con uống nước giải khát chứa sữa, bạn chỉ thấy con mình ngày càng tăng cân, có khi dư cân, béo phì nhưng không phát triển về chiều cao.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng tại Bệnh Viện Nhi Đồng 2 có một số chia sẻ thêm. Quá trình phát triển của trẻ phải được cung cấp đủ năng lượng thông qua các nhóm dưỡng chất thiết yếu. Đặc biệt là đạm (protein), nhất là đạm quí từ nguồn đạm sữa, có giá trị sinh học cao rất cần cho phát triển của cơ bắp, protein nội tạng, xương khớp,… Ngoài ra, phải kể đến các khoáng chất như canxi, phospho, magie và các vitamin với tỉ lệ đúng sẽ giúp trẻ có thể phát triển chiều cao tối ưu. Vì vậy, việc chỉ cung cấp dư thừa năng lượng từ nguồn chất bột đường sẽ không giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện được.
Bác sĩ Hậu cũng chia sẻ thêm: canxi và vitamin D có trong sữa để hấp thu canxi tốt và tham gia vào chức năng miễn dịch cũng quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu SEANUTS II – khảo sát dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á thu thập dữ liệu trên gần 14.000 trẻ em từ sáu tháng đến 12 tuổi năm 2022 – cho thấy cho thấy, hơn 70% trẻ em không được đáp ứng nhu cầu trung bình về canxi và hơn 84% không được đáp ứng nhu cầu vitamin D trung bình.
Chưa kể đến những loại nước trái cây chứa sữa rất dễ gây nghiện với trẻ do ngọt và có nhiều mùi vị khác nhau. Đây là nguyên nhân vì sao có nhiều trẻ chỉ thích uống sữa chua nước hay nước trái cây có sữa. Bố mẹ đổi sang loại khác là không uống vì không đúng sở thích.
Lời khuyên từ bác sĩ: 2.7 gram đạm là điều kiện tiên quyết để chọn đúng sữa chuẩn
Vậy nên chọn sữa nước cho trẻ em như thế nào? Với trẻ trên 1 tuổi, bắt đầu sử dụng được sữa tươi trong chế độ sữa hàng ngày, chúng ta phải chọn đúng là sữa nước (sữa tươi hay sữa hoàn nguyên/ tiệt trùng), hay sữa công thức dạng pha sẵn (tuân theo tiêu chuẩn qui định và có ghi chú lứa tuổi sử dụng). Bố mẹ chỉ nên chọn loại sữa nước nào có độ đạm đạt ít nhất 2.7gram/100ml. Đây là tiêu chuẩn của sữa nước chuẩn dưỡng đúng nghĩa theo quy định của Bộ Y Tế. Trong vô số chất, QCVN 5-1:2010/BYT chỉ chọn đánh giá duy nhất hàm lượng protein vì đây là chỉ số quan trọng nhất và giúp đánh giá được mức độ pha loãng của sữa và thức uống chứa sữa dạng nước. Hơn nữa, đây còn là chỉ tiêu loại A, tức là “bắt buộc phải thử nghiệm để đánh giá hợp quy”. Bác sĩ Thu Hậu cũng chia sẻ về nhu cầu đạm cho trẻ từ 4 – 6 tuổi là 20-30gr/ngày, nếu như bố mẹ cho con uống 3 hộp sữa chuẩn thì đảm bảo bổ sung 50-70% nhu cầu đạm/ngày (~15gr đạm có giá trị sinh học cao) và tương ứng là 70-80% nhu cầu canxi và các khoáng chất quan trọng cho phát triển xương.
Dẫu biết các điều trên thì thực tế người tiêu dùng đang phải đơn phương độc mã đối diện với vô số bẫy bán hàng khi mua sữa: mặc định tất cả các sản phẩm sữa được bày bán đều là sữa chuẩn. Thực tế có rất nhiều thức uống giải khát chứa sữa. Nhưng không, cũng có chữ “sữa” đấy nhưng hàm lượng sữa rất ít, protein và canxi thì rất thấp (so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế). Do đó người tiêu dùng phải được cung cấp đầy đủ các thông tin, tránh nhầm lẫn khi lựa chọn cho con. Các sản phẩm liên quan đến sức khỏe trẻ em, nhất là sản phẩm được ghi nhãn “sữa” cần có đầy đủ thông tin minh bạch, rõ ràng, để dựa vào đó phụ huynh quyết định nhu cầu mua sắm. Họ không nên bị “lầm tưởng” bằng hàng loạt các thông tin phụ được in thật to trên nhãn mác.
Bác sĩ Thu Hậu đồng tình rằng chúng ta cần hành động để hỗ trợ người tiêu dùng chọn lựa sữa. Sự phối hợp tích cực giữa ngành y tế, dinh dưỡng và nhà sản xuất, cung cấp, phân phối thực phẩm, sự minh bạch trong cung cấp thông tin sản phẩm, cũng như sự tỉnh táo của người tiêu dùng là những yếu tố rất cần để con em chúng ta được hưởng sự chăm sóc tốt nhất về dinh dưỡng và sức khỏe, đảm bảo cho sự phát triển tối ưu của các thế hệ tương lai của đất nước.