Dự thảo Nghị định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS có một số điểm mới đang thu hút sự quan tâm từ đội ngũ nhà giáo, chuyên gia giáo dục.
Lợi ích rõ rệt
Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, chúng ta cần tạm chấp nhận trình độ đào tạo theo chuẩn cũ và có lộ trình nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non và phổ thông, nhất là ở miền núi, vùng sâu xa khó tuyển giáo viên. Bộ GD&ĐT cần thống kê đầy đủ số giáo viên thiếu theo từng cấp/môn học, tỉnh/huyện/trường để có kế hoạch và lộ trình đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên phù hợp.
Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 chính sách nhằm khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về tổ chức đào tạo nâng chuẩn: Bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt. Bổ sung quy định giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục.
Về học phí: Bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên (thuộc đối tượng được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP) đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 1/7/2020.
Về chính sách lương trong thời gian đi học nâng chuẩn: Bổ sung quy định trong thời gian thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ, những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
Dưới góc độ nhà quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Bình – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đánh giá, dự thảo có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, thầy cô có thể yên tâm khi đi học được hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về thời gian, công việc mà vẫn được hưởng 100% lương, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Dù vậy, dự thảo yêu cầu nhà trường phải làm các chứng từ dự toán tài chính không phải theo hình thức “đấu thầu” mà là “đơn đặt hàng” để quyết toán kinh phí đào tạo cho các thầy, cô. Điểm này rất mới trong việc sử dụng ngân sách tài chính của trường học, ít nhiều gây khó khăn cho mỗi nhà trường.
“Tại Trường THCS Thanh Xuân, 100% nhà giáo đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn nên ban giám hiệu khá thuận lợi trong phân công công việc mà không cần lo kinh phí đào tạo nâng cao trình độ”, cô Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Trường THCS Thanh Xuân cũng như ngành Giáo dục nói chung còn thiếu giáo viên. Do đó, cô Bình cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 71/2020/NĐ-CP khiến nhiều nhà quản lý gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tuyển giáo viên. Một số thầy cô dạy khá tốt nhưng bằng cấp chưa đạt chuẩn khiến lãnh đạo nhà trường không dám ký hợp đồng lao động.
Hướng đến thực chất
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) nhận định, các nội dung sửa đổi nêu trên hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên còn một số vấn đề chưa được giải quyết. Trong đó có việc đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên cần nêu rõ tiêu chí đảm bảo chất lượng để đơn vị có thể đặt hàng, tránh tình trạng liên kết một cách hình thức dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
Thứ nữa, nâng chuẩn phải đảm bảo chất lượng đào tạo, không thể làm theo hình thức để có bằng, đạt chuẩn mà chất lượng không đáp ứng yêu cầu giảng dạy thực tiễn. Trên thực tế, nhiều giáo viên chỉ có bằng trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm nhưng đi dạy lâu năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đang dạy tốt thì việc nâng chuẩn chỉ mang tính hình thức.
Vị nữ chuyên gia cũng chỉ ra, hiện cả nước thiếu khoảng 113.000 giáo viên các cấp học ở hầu hết địa phương. Tuy nhiên vẫn không tuyển được giáo viên do phần lớn có trình độ không đạt chuẩn. Vì vậy cần có biện pháp tình thế, chấp nhận tuyển dụng đối với giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ và có lộ trình đào tạo nâng chuẩn để đảm bảo đủ giáo viên cho các cấp học, đặc biệt cấp mầm non, tiểu học.
“Thậm chí nhiều trường ở thành thị, một số môn cũng thiếu giáo viên như: Tin học, Tiếng Anh, Tiếng dân tộc thiểu số (cấp tiểu học), Ngoại ngữ 2, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương, Công nghệ; Tin học… Vì vậy, nhà trường cần linh hoạt tuyển dụng giáo viên”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền đề nghị.
Gắn bó với nghề hơn 10 năm nay, cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho rằng, cần đưa các nội dung hỗ trợ cho nhà giáo các trường ngoài công lập vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/2020/NĐ-CP bởi đây sẽ là một động thái có nhiều ý nghĩa và tác động tích cực đối với hệ thống giáo dục.
Đặc biệt trong bối cảnh giáo viên ngoài công lập thường gặp nhiều khó khăn hơn so với đồng nghiệp công tác tại trường công lập khi tiếp cận các nguồn hỗ trợ thì điều này càng trở nên cần thiết.
“Thực tế, giáo viên trường ngoài công lập đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đặc biệt ở các khu vực đô thị lớn, đông dân. Việc hỗ trợ nhóm giáo viên trường tư thục khẳng định vai trò của họ trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mặt khác, giúp giảm bớt khoảng cách về điều kiện làm việc, cơ hội nâng cao trình độ và các quyền lợi khác so với giáo viên công lập, góp phần xây dựng môi trường giáo dục bình đẳng hơn”, cô Trang nói.
Xu hướng tích cực
Theo TS Bùi Hồng Quân – Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, dự thảo nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS là xu hướng tích cực. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu trình độ đối với giáo viên là đại học, thạc sĩ. Do vậy, dự thảo nâng chuẩn trình độ giáo viên cũng là xu hướng tiếp cận thế giới và đổi mới giáo dục.
Cùng đó, giáo viên được nâng chuẩn trình độ sẽ có thêm thời gian đào tạo, lúc đó chắc chắn kiến thức, kỹ năng được đầu tư nhiều hơn. Riêng giáo viên trẻ mới ra trường sẽ có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức và thời gian để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm khi bước vào làm thực tế.
Đồng thời, nâng chuẩn giáo viên, chúng ta sẽ chuyển từ đào tạo người dạy học sang nhà giáo dục – đây là xu hướng phát triển hiện nay bởi không chỉ dạy tốt mà còn có kiến thức nền tảng tốt để thực hiện Chương trình GDPT mới trong tương lai, đáp ứng những đòi hỏi của chương trình.
Từng trải qua vị trí giáo viên, cô La Thu Trang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 An Sơn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho hay, nâng chuẩn giáo viên là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy cũng như xu thế phát triển xã hội.
Thời đại số đòi hỏi người thầy phải có những thay đổi, cập nhật kiến thức, biết ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Vì vậy, nâng chuẩn sẽ giúp thầy cô có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong giảng dạy cũng như sáng kiến mới để nâng chất lượng tiết học và bài giảng, thay vì chỉ dạy theo phương pháp truyền thống.
“Chưa kể, kiến thức ngày một biến đổi đòi hỏi giáo viên phải cập nhật, bổ sung để đáp ứng yêu cầu. Việc nâng chuẩn cũng giúp các thầy cô nâng cao tinh thần tự nghiên cứu, sáng tạo bổ sung kiến thức, bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội”, cô La Thu Trang dẫn chứng.
Từ thực tế triển khai, cô Trang bày tỏ: Đối với những người đang đi dạy, Bộ GD&ĐT nên cho phép thời gian đào tạo nâng chuẩn trình độ vào nghỉ hè hoặc cuối tuần. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như giúp đội ngũ an tâm công tác. Mặt khác, cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn.
Đồng quan điểm trên, TS Bùi Hồng Quân khẳng định, nâng chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cần có lộ trình phù hợp. Bởi trong thực tế, việc học tập để nâng cao trình độ sẽ không dễ dàng vì liên quan đến công việc, gia đình và nhiều hoạt động khác của đội ngũ. Chính vì vậy, khi có lộ trình, giáo viên sẽ có thời gian chuẩn bị, chủ động trong công việc cũng như sắp xếp kế hoạch học tập.
“Nâng chuẩn là tốt nhưng trong bối cảnh thu nhập còn thấp thì tự chi trả học phí vô hình trung trở thành gánh nặng với không ít người. Nếu có chính sách hỗ trợ cho giáo viên học nâng chuẩn, họ sẽ yên tâm hơn”, TS Bùi Hồng Quân đề xuất.
Đối với nhà trường cần hiểu: Giáo viên khi học xong nâng chuẩn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, ban giám hiệu nên tạo điều kiện cho đội ngũ đi học, tiếp thêm động lực để họ yên tâm và được bố trí công việc phù hợp khi trở về công tác.
Với đội ngũ giáo viên cần thấy rằng đây là cơ hội để thay đổi, phát triển, tiếp cận với nền giáo dục tích cực, hiện đại trong nước cũng như trên thế giới, từ đó thực hiện chương trình mầm non hiệu quả hơn.
Các cơ sở đào tạo cần tổ chức theo hướng linh hoạt, thực tiễn để giúp giáo viên đi học nâng chuẩn có thể sắp xếp giữa đi làm và đi học một cách thuận lợi. Việc xây dựng hoạt động đào tạo phù hợp thực tiễn sẽ phát huy được năng lực người học nhiều hơn, hiệu quả nâng chuẩn cao hơn.
“Cần có sự phối hợp giữa địa phương với cơ sở đào tạo, làm sao mang tính linh hoạt. Sự ràng buộc, quy trình thực hiện theo quy chế đôi khi làm khó cho giáo viên cũng như cơ sở đào tạo vì mục đích cuối cùng là giáo viên được học nâng cao trình độ, cơ sở đủ chuẩn thì chắc chắn có cách tổ chức hiệu quả nhất”, TS Bùi Hồng Quân nói.
Nguồn: https://danviet.vn/nang-chuan-giao-vien-sua-doi-de-phu-hop-thuc-tien-20241006114256478.htm