Theo quy định, đến năm 2030, TP.HCM phải hoàn tất lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên các bậc học. Sở GD-ĐT thống kê, TP hiện còn hơn 8.500 giáo viên chưa đạt chuẩn quy định.
CHỦ YẾU Ở BẬC MẦM NON
Theo luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn của nhà giáo là có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên đối với giáo viên (GV) mầm non, có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên đối với GV tiểu học, THCS, THPT.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay tổng số cán bộ quản lý, GV toàn ngành khoảng 80.612 người. Cán bộ quản lý, GV có trình độ tiến sĩ là 90 người, trong đó có 54 GV đạt trình độ này. TP.HCM có 6.679 cán bộ quản lý, GV trong và ngoài công lập đạt trình độ thạc sĩ (GV là 5.171 người).
Hai bậc học có tỷ lệ GV, cán bộ quản lý đạt trình độ thạc sĩ cao nhất là THCS và THPT. Cụ thể, bậc THCS là 1.696 người, bậc THPT là 3.318 người. Tỷ lệ GV, cán bộ quản lý công lập đạt trình độ thạc sĩ cao hơn nhiều so với các trường ngoài công lập.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, căn cứ quy định về chuẩn nhà giáo theo luật Giáo dục 2019, đến đầu năm học 2024 – 2025, cấp THPT 100% GV đạt chuẩn.
Ở mầm non, số GV chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là 5.717, trong đó công lập là 128, ngoài công lập là 5.589. Ở cấp tiểu học, số GV chưa đạt chuẩn trình độ là 2.156, trong đó công lập là 1.999, ngoài công lập là 157.
Số GV THCS chưa đạt chuẩn trình độ là 730, trong đó công lập là 657, ngoài công lập là 73.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6, nhìn nhận tình trạng GV chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định chủ yếu ở các trường mầm non ngoài công lập. Còn lại ở các bậc học khác hầu hết đã đảm bảo về chuẩn trình độ, GV cần nâng cao trình độ đạt chuẩn chuyên môn chỉ còn đếm “trên đầu ngón tay”.
HỖ TRỢ 100% HỌC PHÍ ĐỂ GV NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đến năm 2030, hoàn tất theo luật giáo dục, sở này đã chú trọng việc xây dựng, triển khai chính sách và đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, GV, nhân viên các cấp học.
Cụ thể, tham mưu chính sách về kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS khóa 1 (từ năm học 2023 – 2024 đến năm học 2025 – 2026) và khóa 2 (từ năm học 2024 – 2025 đến năm học 2026 – 2027). Theo đó, GV mầm non, tiểu học, THCS tại các trường công lập và ngoài công lập được hỗ trợ 100% học phí từ ngân sách nhà nước.
Đến nay, TP.HCM triển khai 2 đợt nâng trình độ chuẩn được đào tạo GV do Trường ĐH Sài Gòn thực hiện.
Trong đó, đợt 1 tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS đối với 641 người. Tổng kinh phí TP chi đào tạo nâng chuẩn đợt 1 là trên 27 tỉ đồng.
Đợt 2 đào tạo nâng trình độ chuẩn GV các cấp mầm non, tiểu học và THCS với 896 người. Tổng kinh phí TP chi đào tạo nâng chuẩn đợt 2 là gần 45 tỉ đồng.
Theo ông Lưu Hồng Uyên, khoảng 5 năm về trước, Q.6 đã kết hợp với các trường như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Vinh để tổ chức lớp nâng chuẩn chuyên môn cho GV. Thời điểm hiện tại chỉ còn lại số lượng nhỏ GV gần đến tuổi nghỉ theo chế độ nên không thuộc diện bắt buộc nâng chuẩn.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.7 cho biết để thực hiện công tác chuẩn hóa trình độ GV, Phòng đã yêu cầu các trường mầm non ngoài công lập khi ký hợp đồng lao động với GV phải đảm bảo quy định về trình độ theo luật giáo dục hiện hành. Với những GV đã có thời gian gắn bó, muốn công tác lâu dài thì phải cam kết tham gia chuẩn hóa trình độ, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách cùng cấp quản lý tổ chức lớp bồi dưỡng.
Với các trường ngoài công lập, doanh nghiệp chủ trường phải có trách nhiệm hỗ trợ sắp xếp thời gian để GV tham gia chuẩn hóa trình độ chuyên môn.
XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH THU HÚT, ĐÃI NGỘ CHO GV
Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, sở này xây dựng 5 giải pháp đẩy mạnh thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ GV.
Xây dựng chính sách đãi ngộ, hỗ trợ hoàn toàn kinh phí khi cử đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành GD-ĐT tham gia chương trình đào tạo bằng tiếng Anh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành (quản lý giáo dục, khoa học tự nhiên, toán học…) ở nước ngoài.
Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức ngành GD-ĐT. Đơn vị được cấp đủ kinh phí cho công tác đào tạo bồi dưỡng trong nước và bồi dưỡng ở nước ngoài của công chức, viên chức trong từng đơn vị, có chế độ đãi ngộ hợp lý, chính sách khen thưởng kịp thời…
Xây dựng cơ chế đặc thù để có thể hợp đồng, chi trả cho đội ngũ GV nước ngoài và người VN ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM.
Tiếp tục hoàn chỉnh để trình HĐND TP nghị quyết về chính sách đối với viên chức là GV cấp tiểu học các môn học tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay khi triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đồng thời, tăng cường thu hút sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục ĐH ở trong nước hoặc nước ngoài tham gia tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT TP phù hợp với chính sách đãi ngộ tài năng trẻ theo tinh thần Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-phap-nang-chuan-cho-hon-8500-giao-vien-cua-tphcm-185241217210300884.htm