(Dân trí) - Đoạn video bé gái ở Thái Nguyên ngoan ngoãn nộp tiền lì xì cho mẹ với "khuôn mặt thất thần", biểu cảm "buồn như sắp khóc" đã gây bão mạng xã hội.
Ngày 1/2 (tức mùng 4 Tết), gia đình anh Nguyễn Duy Vũ (31 tuổi, ở Thái Nguyên) đi chúc Tết người thân. Trong giây phút đại gia đình sum vầy, anh bất ngờ quay lại được khoảnh khắc đáng yêu của cháu gái có tên gọi ở nhà là Suty (5 tuổi).
Trong đoạn video, bé gái với "khuôn mặt thất thần" rút từng tờ tiền lì xì nộp cho mẹ, khiến cả gia đình đều bật cười.
Đoạn video chỉ kéo dài 13 giây nhưng nhanh chóng gây bão mạng xã hội, thu hút gần 2,5 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt yêu thích và bình luận. Biểu cảm tiếc nuối của bé gái khiến người dùng mạng thích thú.
"Bé gái đáng yêu, trông như sắp khóc đến nơi khi nộp tiền lì xì cho mẹ", tài khoản Nguyễn Hà viết.
"Mẹ mình thì khác. Ngày bé, mẹ đều cho mình tự bỏ hết tiền lì xì vào heo đất, không bắt mình nộp đồng nào", người dùng Nguyễn Thanh nhớ lại.
Anh Duy Vũ bày tỏ bất ngờ khi câu chuyện gia đình được cộng đồng mạng quan tâm và thích thú. Anh cho biết mục đích ban đầu chỉ đăng tải đoạn video lên trang cá nhân lưu giữ kỷ niệm, để sau này cháu gái có thể xem lại.
Theo anh Vũ, "khuôn mặt thất thần" của bé Suty là do đang dỗi mẹ, không phải bị ép nộp tiền lì xì. Bé gái nhờ mẹ đếm hộ và cất tiền, biểu cảm đáng yêu khiến người thân trong gia đình ai cũng phải bật cười.
"Về sau đi du xuân, em bé đã vui vẻ trở lại", anh nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tục mừng tuổi đầu năm là một phần văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết.
Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới.
Phong bao lì xì thường màu đỏ - màu của may mắn, kèm theo tiền bên trong. Việc để tiền lì xì trong phong bao thể hiện sự kín đáo, giúp con người không so bì hơn thua, tránh dẫn đến những xích mích không đáng có.
"Vào những ngày Tết, chúng ta thường lì xì người già, trẻ con, bạn bè, như một lời chúc mừng năm mới", chuyên gia nói.
Trên thực tế, đã từng có quan điểm "bỏ phong tục lì xì" gây nhiều tranh cãi, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng không nên đánh mất một phong tục, một truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết cổ truyền như lì xì.
Điều quan trọng, người lớn nên nhìn nhận ý nghĩa thực sự của nó, quay về nét đẹp vốn có của lì xì để những ngày Tết nhẹ nhàng hơn. Phụ huynh nên hướng dẫn con cách sử dụng tiền lì xì đúng cách, để trẻ hiểu đúng ý nghĩa của phong tục này và ý thức được trách nhiệm bản thân.
Ông Trần Hải Nguyên, Giám đốc một đơn vị đào tạo kỹ năng sống tại TPHCM, cho hay cha mẹ nên giáo dục trẻ em về ý nghĩa và cách nhận tiền lì xì văn minh và lịch sự.
Phụ huynh cũng cần lắng nghe ý kiến và dự định sử dụng khoản tiền mừng tuổi của con. Cha mẹ có thể gợi ý con trích một phần tiền mừng tuổi lại cho ông bà hay những người nào đó mà mình yêu quý hoặc làm thiện nguyện.
Với khoản tiền còn lại, cha mẹ khuyên con nên chia thành nhiều phần. Một phần tiền dành để đáp ứng mong muốn của con, như mua đồ chơi, vật phẩm có giá trị (điện thoại, máy tính, xe đạp, đi du lịch...). Phần còn lại, trẻ có thể tích lũy nuôi heo đất hay gửi cho cha mẹ như sổ tiết kiệm.
"Việc ông bố, bà mẹ hướng dẫn cho các con cách sử dụng tiền lì xì sẽ giúp trẻ thấy được những việc mình làm có mục tiêu rõ ràng hơn và trao được nhiều giá trị", ông Nguyên bày tỏ.
Chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh hãy dạy con sử dụng số tiền lì xì thật hiệu quả và xứng đáng với tình cảm mà người lớn gửi trao. Khi đó, trẻ cũng biết trân trọng ý nghĩa của việc mừng tuổi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/su-that-video-be-gai-o-thai-nguyen-that-than-khi-nop-tien-li-xi-cho-me-20250204165934803.htm
Bình luận (0)