Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) thừa nhận thành tựu của startup Trung Quốc DeepSeek, song cho rằng không nên phóng đại thành công của công ty.
Từ CEO OpenAI Sam Altman đến nhà khoa học Google Andrew Ng, những “bộ não” AI xuất chúng nhất thế giới đánh giá cao cách tiếp cận đối với nguồn mở của DeepSeek sau khi startup Trung Quốc ra mắt 2 mô hình AI tiên tiến.
Công ty có trụ sở tại Hàng Châu khiến ngành công nghiệp AI toàn cầu sửng sốt với mô hình lý luận nguồn mở R1.
Phát hành hôm 20/1, mô hình cho thấy năng lực không thua kém các mô hình nguồn đóng từ OpenAI – nhà phát triển ChatGPT – nhưng chi phí đào tạo được cho là thấp hơn nhiều.
DeepSeek V3 – mô hình ngôn ngữ lớn nền tảng – ra đời cách đó vài tuần chỉ mất 5,5 triệu USD đào tạo, theo DeepSeek.
Tuyên bố của công ty đặt ra hoài nghi về việc các hãng công nghệ có đang chi quá tay cho chip đồ họa (GPU) trong đào tạo AI hay không, dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ liên quan.
Tuần trước, trong mục “Ask Me Anything” trên diễn đàn Reddit, Altman cho rằng OpenAI đã sai lầm và cần tìm ra cách tiếp cận khác biệt đối với nguồn mở.
Từ trước đến nay, công ty luôn áp dụng cách tiếp cận đóng, giữ bí mật các thông tin như phương pháp đào tạo cụ thể và chi phí năng lượng của các mô hình.
“Dù vậy, không phải ai ở OpenAI cũng đồng quan điểm” và “nó không phải ưu tiên cao nhất của chúng tôi lúc này”, CEO OpenAI thừa nhận.
Andrew Ng, nhà sáng lập Google Brain, cựu nhà khoa học trưởng tại Baidu, nhận xét những sản phẩm từ DeepSeek và các hãng đồng hương cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ về AI.
“Khi ChatGPT ra mắt tháng 11/2022, Mỹ đi trước Trung Quốc đáng kể về AI tạo sinh... nhưng thực tế, khoảng cách này đang bị xói mòn nhanh chóng trong hai năm qua”, ông viết trên X. “Với các mô hình từ Trung Quốc như Qwen, Kimi, InternVL và DeepSeek, Trung Quốc rõ ràng đang thu hẹp khoảng cách và trong các lĩnh vực như tạo video, đã có những lúc Trung Quốc dường như dẫn trước”.
Mô hình Qwen do Alibaba phát triển, còn Kimi và InternVL là sản phẩm của startup Moonshot AI và Phòng thí nghiệm AI Thượng Hải.
Theo ông Ng, nếu Mỹ tiếp tục cản trở nguồn mở, Trung Quốc sẽ thống trị phần này trong chuỗi cung ứng và nhiều doanh nghiệp cuối cùng sẽ sử dụng các mô hình phản ánh giá trị của Trung Quốc lớn hơn của Mỹ.
Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách ứng dụng mô hình của DeepSeek vào sản phẩm của mình. Chẳng hạn, người dùng dịch vụ NIM của Nvidia có thể tiếp cận mô hình R1 từ tuần trước, còn Microsoft cũng hỗ trợ R1 trên nền tảng đám mây Azure và GitHub. Amazon cho phép khách hàng tạo ra ứng dụng bằng R1 qua AWS.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, không nên phóng đại thành công của DeepSeek. Nhà khoa học AI trưởng của Meta – Yann LeCun nói suy nghĩ “Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về AI” vì DeepSeek là sai lầm.
Đúng hơn phải là “các mô hình nguồn mở đang vượt qua các mô hình độc quyền”, ông viết trên Threads.
DeepSeek – startup tách ra từ quỹ đầu cơ High-Flyer của nhà sáng lập Liang Wenfeng tháng 5/2023 – vẫn đối mặt với nhiều hoài nghi về chi phí thực tế và phương pháp đào tạo mô hình AI.
Giáo sư khoa học máy tính Zheng Xiaoqing đến từ đại học Phúc Đán chỉ ra chi phí đào tạo DeepSeek V3 chưa bao gồm chi phí liên quan đến thử nghiệm và nghiên cứu, theo báo cáo kỹ thuật của startup.
Ông cho biết, thành công của DeepSeek xuất phát từ việc “tối ưu hóa kỹ thuật”, do đó không ảnh hưởng lớn đến việc mua sắm hay các lô hàng chip.
(Theo SCMP)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhung-ten-tuoi-ai-hang-dau-the-gioi-tranh-luan-ve-deepseek-2368357.html
Bình luận (0)