SingaporeNghỉ việc văn phòng ra làm nông năm 2011, Shannon Lim điều hành một trang trại nuôi hải sản, trồng rau và mở lớp dạy nuôi cua biển tại nhà.
Hãy tưởng tượng bạn đang chuẩn bị bữa tối hải sản tại nhà nhưng thay vì mua cua ngoài chợ, chỉ cần lấy một con từ trang trại mini trong góc bếp. Đây là tầm nhìn của “nông dân thành thị” Shannon Lim, 37 tuổi, dành cho các học viên.
Sáng lập OnHand Agrarian, Lim tổ chức các lớp học tự nuôi trồng thực phẩm tại nhà ở Singapore, trong đó có khóa dạy tự nuôi cua biển. Với mức phí 680 đôla Singapore (510 USD), học viên sẽ tham gia khóa học kéo dài 10 giờ trong hai ngày, đã bao gồm chi phí để xây dựng một “chung cư cua”, dịch vụ đưa đón tận nhà. Học viên có thể dẫn theo bạn nếu lớp học không quá đông.
“Chung cư cua” là một bộ ngăn kéo đựng đồ bằng nhựa cao 7 tầng đã được cải tiến. Ngăn chứa nước và trang bị máy bơm, bộ lọc để cua sống trong đó. Ngoài ra còn có máy khử trùng bằng tia cực tím và tảo có tác dụng phân hủy chất thải hữu cơ giúp ngăn ngừa mùi khó chịu.
Mỗi con cua được nuôi trong một ngăn, có thể nặng từ vài trăm gram đến gần 2 kg hoặc đôi khi hơn. Cua đầu vào có trọng lượng nhỏ hoặc loại gầy ốm do các cửa hàng nuôi tạm lâu ngày mà ế khách phải bán lại giá rẻ. “Sau đó, chúng tôi bắt đầu vỗ béo trở lại”, ông nói.
Lee Ray Sheng, 24 tuổi, lần đầu tiên biết đến nghề nuôi cua trong hộp cách đây vài năm khi đến thăm một trang trại khác. Vài tháng trước, anh tình cờ xem được một video về lớp học của Lim trên mạng xã hội và đăng ký tham gia.
“Điều đầu tiên, tôi thích ăn cua. Điều thứ hai, tôi chắc chắn rất thích nuôi cua và ăn chúng”, anh nêu lý do tham gia khóa học. Anh mang về những con cua có kích thước bằng lòng bàn tay từ lớp học và ước tính chúng tăng trưởng khoảng 50% trong hai tháng. “Cua ăn tất cả mọi thứ, vì vậy cách dễ nhất là đến gặp người bán cá và xin mang cá”, Lee kể. Là người đam mê chèo thuyền kayak, Lee cũng bắt sò từ các rào chắn an toàn nổi ngoài khơi bờ biển Singapore để cho cua ăn.
Lim đã dạy khoảng 50 sinh viên cách nuôi cua kể từ trước đại dịch và muốn khuyến khích nhiều người Singapore trở thành “nông dân thành thị” hơn. Một lời khuyên ông đưa ra là đừng đặt tên cho con cua nếu muốn ăn chúng, để tránh hình thành tình cảm gắn bó. “Tôi muốn thấy nhiều người Singapore tự túc thực phẩm hơn vì chúng tôi phụ thuộc quá lớn vào Malaysia” ông nói.
Trước khi trở thành nông dân, Shannon Lim là một nhân viên văn phòng trong lĩnh vực lập kế hoạch tài chính và nghiên cứu thị trường. Năm 2011, với 160.000 đôla Singapore (hơn 120.000 USD) trong tay, Lim nghỉ việc để ra startup làm nông.
Theo Temasek, Lim đã thiết kế “Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn đa dinh dưỡng tích hợp” đầu tiên (IMTRAS) để tái chế chất thải từ sinh vật này làm thức ăn cho sinh vật khác. Mục tiêu của OnHand Agrarian là sản xuất hải sản rẻ hơn và bền vững hơn bằng khoa học cơ bản mà không làm gián đoạn hệ sinh thái biển.
Trang trại của Lim bắt đầu nuôi khoảng 2.000 con cá cảnh và cá ăn được, chẳng hạn như cá mú tại sân sau nhà ở Changi bằng hệ thống IMTRAS. Không có giấy phép bán, ông đem con cá đi tặng bạn bè và hàng xóm.
Hai năm sau, hoạt động của OnHand Agrarian trở nên chuyên nghiệp. Họ có một khu bè nuôi gần đảo Pulau Ubin ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Singapore, cách cầu cảng Lorong Halus trên đất liền khoảng 5 phút đi thuyền.
Trang trại nổi là một trong ba địa điểm hoạt động của OnHand Agrarian. Riêng với cua, Lim bắt đầu nuôi trong các ngăn nhựa vào khoảng năm 2016 nhưng đó không phải là phát minh của ông. Cách đây nhiều năm, ông đã thấy bài đăng trên một diễn đàn về việc nuôi tôm càng trong ngăn nhựa và áp dụng nó để nuôi cua.
Ngoài mở lớp dạy nuôi cua, OnHand Agrarian còn đang nhận nuôi hộ 200 con cua cho khách hàng. Trang trại tại nhà của ông còn nuôi một số loại cá, vịt và một số loại cây rau. Lim cũng đã thực hiện các dự án giúp các khách sạn, trường học và cá nhân thiết lập hệ thống canh tác.
Đối với những người không muốn tự làm, Lim cung cấp hải sản và rau quả theo hình thức đăng ký mua theo gói. Gói tiêu chuẩn có giá 180 đôla Singapore (136 USD) mỗi tháng, cho 10 kg hải sản và rau quả, chia thành 2 lần nhận.
Niềm đam mê làm nông của Lim xuất phát từ những câu chuyện mà ông bà kể lại về Thế chiến II, góp phần định hình cách anh nghĩ về an ninh lương thực.”Nó ảnh hưởng đến quan điểm của tôi về việc chúng ta nên chuẩn bị kỹ hơn một chút cho những điều kỳ lạ có thể xảy ra”, ông nói.
Lim có ước mơ lớn với nghề nuôi tại nhà. Ông hy vọng sẽ có nhiều người học cách nuôi cua hơn và Singapore có trại giống cua riêng. Cua không thể giao phối và sinh sản trong môi trường nuôi trong hộp. Vì vậy trại giống có thể cung cấp cua con cho nông dân để nuôi.
Lý giải việc tập trung vào cua, Lim cho biết nhiều người Singapore thích ăn cua, và việc làm sạch, sơ chế chúng cũng dễ dàng hơn cạo vảy hoặc phi lê cá. Tôm và cá sống cũng có thể sống trong hang nên Lee đang dự định nghiên cứu hoàn thiện cách nuôi trong hộp như cua. “Nếu có thể, tôi cũng rất muốn nuôi tôm hùm”, Lim nói. Tuy nhiên, theo anh nuôi tôm hùm tại nhà khó hơn rất nhiều vì môi trường sống cho chúng cần được kiểm soát công phu hơn.
Phiên An (theo CNA, Temasek)