Quảng NinhNam bệnh nhân 65 tuổi nhập viện do đau bụng dữ dội, bác sĩ phát hiện khối sỏi lớn trong thận, dài gần 7 cm.
Ngày 31/7, bác sĩ Nguyễn Như Trung, Khoa Ngoại thận Tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, cho biết bệnh nhân có khối sỏi to như củ gừng, phân nhánh phức tạp.
Sau hai giờ can thiệp, kíp mổ lấy trọn vẹn khối sỏi san hô xù xì, bảo toàn chức năng thận. “Việc can thiệp gặp nhiều khó khăn, chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến người bệnh bị chảy máu, thậm chí cắt bỏ thận”, bác sĩ nói.
Sỏi san hô có hình dạng đặc biệt, gai góc tương tự cây san hô. Quá trình hình thành sỏi thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng. Khi sỏi san hô kích thước lớn, người bệnh có triệu chứng đau lưng âm ỉ, dai dẳng, có thể đi tiểu gắt hoặc nước tiểu có máu. Nếu không điều trị, sỏi san hô sẽ làm suy giảm chức năng của thận do thận ứ nước, nhiễm trùng…
Với những viên sỏi kích thước lớn, bác sĩ phải có biện pháp can thiệp như tán sỏi, phẫu thuật để loại bỏ, giúp làm giảm các triệu chứng, khôi phục dòng chảy nước tiểu bình thường. Sau điều trị sỏi thận, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, uống trên hai lít nước một ngày và đi khám định kỳ nhằm phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng.
Bác sĩ khuyến cáo người bị đau vùng thắt lưng hoặc tiểu tiện ra máu, tiểu buốt nên đi khám, không tự ý dùng thuốc tại nhà. Siêu âm thận, chụp X-quang ổ bụng là phương pháp cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện sỏi đường tiết niệu.
Trường hợp phát hiện muộn, sỏi sẽ tàn phá, làm mất chức năng thận, gây những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, thậm chí nhiễm trùng nặng và tử vong.
Minh An