Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM vừa có văn bản trả lời kiến nghị, đề xuất của đại biểu thiếu nhi tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2023”.
Tại chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2023” diễn ra vào tháng 5 vừa qua, một trong những vấn đề nhận được nhiều đại biểu thiếu nhi quan tâm, đó là tình trạng bạo lực học đường.
Từ đó, các đại biểu thiếu nhi kiến nghị Sở GD&ĐT quan tâm tập huấn kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho học sinh.
Về nội dung này, theo Sở GD&ĐT, sở đã xây nội dung hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; thường xuyên quán triệt đến các đơn vị về công tác phòng, chống bạo lực học phòng, vi phạm pháp luật trong học sinh.
Sở GD&ĐT cũng đã tăng cường chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 – 2025” và công tác xây dựng văn hóa học đường. Các cơ sở giáo dục tăng cường tổ chức xây dựng văn hóa học đường cho học sinh thông các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chào cờ…
Sở GD&ĐT cũng mong muốn mỗi học sinh tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức; cùng chung tay với nhà trường, thầy cô, bạn bè xây dựng văn hóa học đường, xây dựng tình bạn tốt đẹp, cùng nói lời hay, ý đẹp, yêu thương, đoàn kết, biết yêu thương người xung quanh, sống có văn hóa, văn minh, lịch sự khi giao tiếp với người đối diện, người xung quanh.
Cũng tại chương trình, nhiều ý kiến của học sinh phản ánh hiện nay đã ban hành sách giáo khoa mới nhưng do công nghệ thông tin chưa bảo đảm, giáo viên không thể giải đáp hết thắc mắc của học sinh nên các em khó theo kịp chương trình.
Trước vấn đề này, Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng sở đã triển khai về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2023-2024 từ đầu năm học mới. Qua triển khai, sở chỉ đạo các trường học xây dựng các phương án và tổ chức giảng dạy bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Sở GD&ĐT thành phố lưu ý các cơ sở giáo dục thường xuyên đẩy mạnh việc đổi mới sinh hoạt, họp tổ chuyên môn trong các nhà trường, thực hiện thảo luận về chuyên đề, nội dung bài học giúp giáo viên có thể thấy được những kiến thức trọng tâm cần truyền đạt đến học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của từng đơn vị.
Giáo viên luôn chú trọng đổi mới phương pháp, kỹ thuật, hình thức tổ chức, không gian tổ chức các hoạt động dạy học, sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy học, vận dụng kết dạy học trực tiếp và dạy học qua internet để mở rộng thời gian, không gian tổ chức học tập cho học sinh, giúp học sinh có kế hoạch học tập cá nhân chủ động và hứng thú hơn học tập.
Các trường triển khai thực hiện các hệ thống quản lý học tập (LMS) và căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, trang bị kết công nghệ thông tin của các trường để tổ chức hoạt động học tập cho học sinh được tốt hơn.
(Nguồn: Người Lao Động)