Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đã đi vào vận hành thương mại gần hai tháng. Ngoài những hình ảnh đẹp của hành khách vẫn còn đâu đó những hình ảnh chưa thật đẹp trên tàu và tại các nhà ga.

Đơn vị vận hành cho biết thời gian qua nhân viên vận hành đã chứng kiến nhiều trường hợp chưa phù hợp văn hóa đi metro - Ảnh: Cắt từ clip
Vậy là tuyến metro đầu tiên của TP.HCM đã đi vào vận hành thương mại được gần hai tháng, với lượng hành khách ngày càng tăng.
Tuy nhiên bên cạnh những hành vi góp phần hình thành "văn hóa metro", vẫn còn những hình ảnh chưa thật đẹp trên tàu và tại các nhà ga, khiến nhiều người cảm thấy phản cảm như: chụp ảnh cởi đồ, đu xà tập thể dục, xả rác bừa bãi, cho con đi vệ sinh tại chỗ, cãi vã to tiếng để giành chỗ ngồi...
Bạn đọc Mạnh Quang đã gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ thêm về vấn đề này.
Khách bên trong metro chưa bước ra đã hối thúc "đi đi, lẹ lên"
Qua những lần trải nghiệm metro để đi lại, điều làm tôi ngỡ ngàng là việc nhiều hành khách dường như thiếu kiên nhẫn trong việc chờ đợi và nhường cho khách trên tàu xuống xong rồi mới bước lên.
Lần nào cũng vậy, tàu vừa dừng, cửa chỉ vừa mở, khách bên trong còn chưa kịp bước ra là bên ngoài đã nhiều người lố nhố, muốn lên cho bằng được. "Đi đi!", "Lẹ lên!" thường là những lời thúc giục những khách lịch sự đứng chờ khách bên trong tàu bước ra như tôi.
Có người thậm chí còn xô đẩy, chen lên cho bằng được.
Nhường cho người trong tàu xuống trước rồi mình từ dưới ke ga bước lên, để người bên trong có thể đi ra, xuống ga mình cần xuống, vừa đảm bảo trật tự, an toàn cho việc đi lại, vừa là quy tắc văn minh khi đi tàu.
Muốn thực hiện việc này tốt hơn và tiết kiệm nguồn nhân lực (bởi thực tế không thể nào cứ cắt cử nhân viên đi nhắc nhở suốt), gần như tất cả các ga tàu, người ta đều vẽ sẵn các mũi tên, hoặc các vạch phân chia rõ ràng ở dưới ke ga, ngay tại khu vực cửa tàu sẽ mở để báo hiệu và phân làn hành khách đứng gọn gàng.
Các ga metro tại TP.HCM đã làm điều này tốt, với mũi tên chỉ đường ra cho khách xuống tàu nằm ở giữa, và mũi tên lên tàu cùng khu vực xếp hàng cho khách chờ bước lên ở hai bên.
Nhưng qua quan sát, nếu không có nhân viên nhắc nhở, nhiều người ít chủ động đứng gọn gàng và tuân thủ những hướng dẫn này.
Kinh nghiệm đi tàu từ các quốc gia khác cho thấy thời gian giãn cách giữa các chuyến tàu càng ngắn, tình trạng dồn ứ khách càng giảm. Mà càng giảm thời gian chờ tàu, càng bớt những sự nôn nóng vốn có thể dẫn đến những hành vi chưa thật văn minh của một số hành khách.
Mang ba lô to trên người, đứng quây tròn lại nói chuyện
Có lần, tại ga Tân Cảng, dù nhân viên đã nhắc nhở đứng đúng vị trí và nhường cho khách trên tàu bước xuống, vẫn có những bạn trẻ điềm nhiên đi chắn ngay lối xuống của hành khách.
Khi tôi cùng vài hành khách khách nhắc nhở nhẹ nhàng rằng các bạn đang đứng ngay mũi tên của khách xuống tàu thì các bạn này quay mặt đi chỗ khác và vẫn đứng ngay đó.
Lần khác, từ ga Đại học Quốc gia TP.HCM, một nhóm 8 bạn sinh viên bước lên tàu. Vừa lên tàu đã quây thành vòng tròn đứng nói chuyện với nhau.
Về sau, tàu càng lúc càng đông nhưng các bạn vẫn hồn nhiên đứng quây tròn, những chiếc ba lô to vẫn trên vai, gây cản trở và cũng chiếm không gian đứng của nhiều người khác.
Tôi ước gì các bạn đừng quây tròn và bỏ balô xuống dưới chân để đỡ vướng víu cho chính mình và cho các hành khách khác.
Điều này từ lâu đã được thực hiện khá tốt trên các chuyến MRT tại Singapore, khi trên tàu thường dán các câu (tạm dịch): "Túi xách dưới chân, thêm nhiều chỗ đứng", cùng các nhân vật được vẽ hoạt hình rất dễ thương để nhắc nhở, khuyến khích hành khách đừng đeo ba lô trên vai khi đang ở trên tàu.
Chưa kể là nếu bên trong vẫn còn chỗ trống, nhiều người sẽ tự động xếp vào để tiếp tục có chỗ cho khách sau bước lên, chứ không "cố định" cứng ngắc ở cửa ga tàu.
Nỗi "khổ" nữa của nhiều khách đi metro chính là âm lượng những cuộc nói chuyện và các chương trình giải trí phát ra từ loa ngoài của một số người, lớn đến mức "khó chịu vô cùng".
Những ai từng đi tàu điện tại Nhật Bản hẳn sẽ rất ấn tượng vì sự tĩnh lặng của các chuyến tàu này. Dù đông đúc đến mấy, mọi người cũng sẽ nói chuyện vừa đủ nghe, và tuyệt đối không ai mở loa ngoài ầm ĩ.
Lần gần nhất đi công tác cùng một số đồng nghiệp đến Nhật, các bạn đều ý thức, bảo nhau phải tắt loa ngoài và dùng tai nghe khi bước lên tàu. Nếu đã tự ý thức khi dùng metro ở nước ngoài thì ở mình, mong sao mọi người cũng có thể ý thức được như vậy.
Ấn tượng với bạn trẻ nhặt vỏ kẹo của khách kế bên bóc cho con ăn rồi vất xuống sàn
Nói như vậy không có nghĩa là người đi metro tại TP.HCM đều có hành vi chưa văn minh. Tôi cũng thấy nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, xếp hàng ngay ngắn, nghiêm túc, đứng đúng vạch, không ồn ào khi lên tàu.
Thậm chí, có lần còn chứng kiến một bạn nữ đi nhặt vỏ bánh kẹo do một hành khách ngồi kế bên bóc ra cho con ăn xong vất xuống sàn. Bạn ngồi cạnh bên đã nhẹ nhàng cúi xuống nhặt xong bỏ vào túi xách của mình.
Muốn xử phạt các hành vi chưa đẹp ở trên tàu cần có quy định, luật rõ ràng từ các cơ quan chức năng và chắc chắn sẽ cần thời gian. Trước mắt, cần sự tự ý thức của mỗi người khi sử dụng metro. Phương tiện đã văn minh thì người dùng hẳn cũng phải là những người văn minh.
Úc có cảnh sát metro, họ sẽ bảo xin mời khách xuống ở ga kế, không phục vụ. Nếu tái phạm, họ sẽ từ chối ngay thời điểm mua vé lên tàu. Cần có AI, camera để giúp nhân viên giám sát.
Cá nhân phải có trách nhiệm với hành vi của bản thân, làm sai thì phải chịu phạt, sẽ phải chịu bị cấm lên tàu mãi mãi. Không có xin lỗi, không giải thích lý do.
Bạn đọc tài khoản DucNguyendemy****@gmail.com
Nguồn: https://tuoitre.vn/metro-van-minh-khong-chap-nhan-chuyen-chup-anh-coi-do-hit-xa-don-phan-cam-2025022010383435.htm
Bình luận (0)