Những thanh niên như Max Mueller là đối tượng tuyển mộ của quân đội Đức, nhưng họ không muốn nhập ngũ do lo sợ nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Là một sinh viên trẻ khỏe học chuyên ngành thể thao ở Frankfurt, Đức, Max Mueller, 23 tuổi, rất phù hợp để quân đội Đức tuyển mộ. Nhưng anh không có bất cứ ý định nào về việc đăng ký nhập ngũ, nhất là từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra.
“Nếu chiến tranh nổ ra ở đây, chúng tôi sẽ phải ra chiến trường. Tôi khi đó có thể sẽ chết”, Mueller nói. Nhiều thanh niên nước này có quan điểm giống anh, không mặn mà với binh nghiệp, tạo ra thách thức lớn với nỗ lực tuyển quân của Lực lượng Vũ trang Đức (Bundeswehr).
Thu hút nhân tài mới được xem là nhiệm vụ cấp bách của Bundeswehr, trong bối cảnh lực lượng nỗ lực tăng quân số và thực hiện cải tổ sau khi chiến sự Ukraine bùng phát.
Nhiều thập kỷ đầu tư thiếu hiệu quả đã khiến Bundeswehr rơi vào tình trạng “đáng lo ngại”. Ủy viên phụ trách quốc phòng của quốc hội Đức Eva Hoegl cho hay Bundeswehr “thiếu thốn mọi thứ”, thậm chí tệ hơn thời điểm trước khi chiến sự Ukraine bùng phát.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz năm ngoái công bố ngân sách 100 tỷ euro (107 tỷ USD) cho nỗ lực tăng cường sức mạnh và khắc phục các vấn đề tồn đọng trong quân đội nước này. Tuy nhiên, Hoegl cho biết quỹ này đến nay vẫn chưa được sử dụng.
Trong khi đó, Đức đã viện trợ nhiều khí tài, đạn dược cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kho dự trữ đạn của nước này cạn kiệt.
Nỗ lực tăng cường tuyển quân đã được Bundeswehr khởi động từ trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ. Vài năm trước, quân đội Đức đặt mục tiêu tăng quân số từ khoảng 181.000 lên 203.000 vào năm 2031.
Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, người nhậm chức hồi đầu năm, thừa nhận mục tiêu này là “quá tham vọng”. Ông gần đây tiết lộ số lượng đơn gia nhập Bundeswehr giảm 7% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ, bất chấp yêu cầu tư vấn nhập ngũ tăng.
“Thách thức nhân sự còn lớn hơn so với vật chất”, bà Hoegl nói hồi tháng 4, cho hay nguyên nhân chính là tỷ lệ tân binh Đức bỏ cuộc cao và trung tâm tuyển quân chậm phản hồi đề nghị tư vấn của các ứng viên tiềm năng.
Trước tình hình này, Bundeswehr đã mở một chiến dịch truyền thông trên các nền tảng trực tuyến để thu hút tân binh.
Công tác thu hút người trẻ nhập ngũ cũng khó khăn hơn, khi nhóm này vốn quen với “cuộc sống thoải mái” ở Đức, quốc gia từ lâu ủng hộ lập trường hòa bình và phát triển thịnh vượng thời hậu chiến.
Lisa Hoffmann, một nữ y tá đang cân nhắc gia nhập lực lượng quân y Đức vì muốn có nhiều cơ hội hơn, song cô nhận ra những khó khăn của quân đội trong việc thu hút người trẻ.
“Cuộc sống ở doanh trại khiến nhiều người trẻ thời nay sợ hãi”, Hoffmann, 23 tuổi, nói. “Không còn tận hưởng cảm giác thoải mái như trước khiến nhiều người giảm động lực phục vụ quân đội. Thế hệ chúng tôi được chiều chuộng hơn một chút”.
Đức là một trong những quốc gia cung cấp nhiều khí tài nhất cho Ukraine, nhưng không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Dù vậy, những gì đang diễn ra ở Ukraine đã “đánh thức nỗi sợ cũ bị chôn vùi hàng thập kỷ sau Thế chiến II” của thanh niên Đức.
Quân đội Đức kêu gọi các binh sĩ triển khai tới khu vực sườn đông của NATO để đảm bảo an ninh, nhưng số lượng binh sĩ tình nguyện đến đây “rất ít”. Theo khảo sát gần đây của Spiegel, chỉ 1/5 binh sĩ nước này sẵn sàng gia nhập lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu mà Đức đã lên kế hoạch triển khai ở Litva.
Trong khi đó, nguồn lực tuyển quân của Bundeswehr ngày càng thu hẹp khi xã hội nước này già hóa.
“Nhân khẩu học thay đổi là một thách thức lớn. Khi thế hệ cũ dần nghỉ hưu, chúng tôi có ít người trẻ tìm việc hơn và nhiều nhà tuyển dụng hơn”, đại úy Heiko, cố vấn tuyển quân ở Essen, Đức, nói.
Đức Trung (Theo AFP)