TP HCMBệnh nhân động kinh nhập viện Bệnh viện Quân y 175 chỉ xếp sau đột quỵ, không ít trường hợp bị hiểu lầm là bệnh tâm thần.
“Hiện chưa có nhiều người quan tâm, hiểu rõ về động kinh, vẫn còn không ít lầm tưởng về bệnh, trong khi số người mắc khá lớn”, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, nói bên lề hội nghị do bệnh viện phối hợp Hội chống động kinh Việt Nam tổ chức, với nhiều chuyên gia quốc tế tham dự, ngày 14/4.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có thống kê về số người mắc, tỷ lệ mắc căn bệnh mạn tính này. Tại Khoa Nội thần kinh của bệnh viện, lượng bệnh nhân đột quỵ chiếm khoảng 50%, tiếp đó là nhóm bệnh động kinh chiếm khoảng 20-30%, còn lại là các bệnh lý khác.
Động kinh xảy ra khi có những đợt hoạt động đồng bộ bất thường hoặc quá mức của não bộ, biểu hiện ra với các triệu chứng khác nhau. Bệnh có thể do gene, rối loạn về chuyển hóa, bất thường về cấu trúc não bộ hoặc xảy ra sau tổn thương não như chấn thương sọ não, di chứng sau đột quỵ… Theo phân loại mới nhất của Liên đoàn Chống Động kinh Quốc tế, bệnh có 3 loại chính, gồm động kinh toàn thể, động kinh cục bộ và động kinh không xác định.
“Khi nhắc đến động kinh, mọi người thường nghĩ ngay đến co giật, song thực tế tùy vào vùng não chịu ảnh hưởng, các biểu hiện của cơn động kinh sẽ khác nhau và rất đa dạng”, bác sĩ nói.
Một số trường hợp, bác sĩ dễ nhận biết qua các cơn co cứng, co giật nhưng cũng có bệnh nhân chỉ xảy ra những cơn rất khó mô tả và khó nhận biết. Đặc biệt, nếu xảy ra ở thùy thái dương, bệnh nhân thường có các rối loạn hành vi. Ngược lại, nhiều trường hợp co giật chưa hẳn là động kinh, bởi do hạ đường huyết, nhiễm trùng thần kinh… Do đó, việc chẩn đoán động kinh nhiều lúc còn gặp khó khăn.
Không ít bệnh nhân đến viện sau thời gian dài điều trị thuốc chống loạn thần ở nhiều nơi mà không khỏi, bởi biểu hiện dễ gây nhầm lẫn như la hét, kích động, hoảng loạn hoặc thẫn thờ cũng như các rối loạn hành vi khác, tăng động tay chân. Các cơn đa số xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn rồi trở lại bình thường, song lặp đi lặp lại với cách thức giống nhau. Sau khi thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng, kết hợp khảo sát bằng các máy móc tại Đơn vị Sinh lý thần kinh lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán động kinh và đáp ứng tốt với điều trị. Nhiều bệnh nhân hồi phục trở về công việc thường ngày, thay vì phải ở nhà chống chọi các cơn bất thường.
Hiện, thuốc vẫn là phương pháp điều trị thường dùng nhất trong điều trị bệnh động kinh. Tuy nhiên, trong số các bệnh nhân động kinh được chẩn đoán, có khoảng 30% đáp ứng kém với thuốc, dù đã dùng nhiều loại mới. Điều này càng khó khăn hơn khi ở Việt Nam, số loại thuốc chống động kinh còn hạn chế.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, cho biết dịp này Hội Chống động kinh Việt Nam lần đầu xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị động kinh. Hiện, có nhiều hướng dẫn quốc tế nhưng không thống nhất hoàn toàn về chẩn đoán và điều trị, nhiều thứ không phù hợp với thực tế ở Việt Nam. Trong đó, nhiều loại thuốc đắt tiền không phù hợp với thu nhập người Việt hoặc nhiều thuốc chưa có, nhiều phương pháp điều trị tiên tiến chưa được triển khai rộng rãi ở nước ta.
Hội đang tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, giúp bác sĩ, đặc biệt là tuyến cơ sở có thể tiếp cận đúng, biết cách sử dụng điện não đồ để nhận diện, phân loại bệnh nhân động kinh. Nếu trường hợp nặng không thể xử lý được, bác sĩ tuyến đầu sẽ giới thiệu bệnh nhân đến các trung tâm chuyên sâu để điều trị kịp thời. Những năm gần đây, một số trung tâm tại Việt Nam có nhiều tiến bộ trong phẫu thuật động kinh, giúp những bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, tức động kinh kháng trị, có cơ hội khỏi bệnh, quay về cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo người xuất hiện các bất thường nên thăm khám sớm để được chẩn đoán bệnh sớm. Việc kiểm soát tốt, kịp thời, không chỉ giúp người bệnh quay lại cuộc sống bình thường, phòng tránh những tình huống có thể nguy hiểm tính mạng, mà còn giúp ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não bộ khó hồi phục.
Bệnh nhân động kinh cần tuân thủ sử dụng thuốc lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy tình trạng ổn định, bởi nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng trở lại khi không tiếp tục dùng thuốc. Không thức khuya, không sử dụng rượu bia, bởi đây là những yếu tố góp phần làm kích hoạt cơn động kinh.
Lê Phương