10h tối, Hồng Quân chở lượt khách cuối từ quận 1 đến Bình Thạnh, kiếm khoảng 400.000 đồng cả ngày.
Năm nay là lần đầu Hồng Quân, sinh viên năm thứ hai, trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH), nấn ná lại thành phố làm thêm sau khi trường cho nghỉ Tết. Chàng trai quê Bình Thuận đăng ký chạy xe ôm công nghệ, dự định tối 29 tháng Chạp mới lên xe về nhà.
Với thu nhập khoảng 400.000-500.000 đồng mỗi ngày, dự kiến đợt này Quân có thể kiếm được 12-15 triệu đồng. Đều đặn 7h sáng hàng ngày, Quân mở app để nhận chuyến, đến 14h chiều về ăn uống, ngủ trưa. Buổi tối, nam sinh chạy xe từ 18h đến 22h.
“Số tiền kiếm được, mình định lì xì bố mẹ, đi chơi với bạn bè dịp Tết và để dành chi tiêu. Nếu tiết kiệm, số tiền này cũng đủ em sinh hoạt 2 tháng ở thành phố”, Quân nói.
Nhiều đại học cho biết Tết này một số sinh viên đăng ký ở lại ký túc xá, để tiện đi làm. Có sinh viên làm nhiều công việc cùng lúc, kiếm thêm thu nhập để trang trải học tập và sinh hoạt.
Cách đây hai tuần, Lương Hữu Phước, sinh viên trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, được một giảng viên giới thiệu làm nhân viên thời vụ ở một khu vui chơi tại TP Thủ Đức. Với mức lương 30.000 một giờ, mỗi ngày Phước có thể kiếm được 180.000 đồng. Riêng những ngày Tết, mức này được nhân đôi, nhân ba.
“Hàng ngày, mình làm từ 18h đến 22h. Thời gian còn lại thì chạy xe ôm kiếm thêm. Thu nhập từ hai công việc có thể đạt 300.000-450.000 đồng, tùy ngày”, Phước nói.
Đây là năm đầu tiên Phước dự kiến làm việc xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập, tự trang trải chi phí sinh hoạt tại TP HCM.
“Có thể sẽ hơi buồn vào những ngày Tết nhưng nhà trường có tổ chức họp mặt, hỗ trợ sinh viên ở lại thành phố. Mình có thể gặp bạn bè và lập nhóm cùng đi chơi”, Phước chia sẻ.
Ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM (SAC), cho biết trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm việc bán thời gian tăng cao. Trung tâm dự kiến giới thiệu 4.000 việc làm Tết cho sinh viên có nhu cầu.
Những vị trí được tuyển dụng nhiều trong dịp này thường yêu cầu làm xuyên Tết, như: thu ngân, nhân viên kho, gói quà, chế biến tại siêu thị hoặc phục vụ, phụ bếp, giữ xe nhà hàng; bảo vệ, giao hàng, phụ việc nhà, dọn vườn, trông coi nhà cửa trong dịp Tết.
Mức thu nhập trung bình cho các công việc này khoảng 25.000-50.000 đồng mỗi giờ, hoặc 140.000-400.000 đồng một ngày. Trong các ngày Tết, doanh nghiệp trả lương cao gấp đôi, gấp ba hoặc tặng quà, lì xì Tết cho sinh viên làm thêm. Vì thế, nếu chịu khó, họ có thể kiếm được một khoản khá vào dịp này.
Tuy nhiên thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, lưu ý sinh viên thận trọng để tránh lừa đảo. Cách đây hơn một tháng, nhiều trường đại học đã cảnh báo về trường hợp sinh viên đăng ký làm thêm rồi bị lừa sang Campuchia.
Theo ông Nam, sinh viên thiếu kinh nghiệm có thể trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo tìm việc làm, bởi các “nhà tuyển dụng” này thường không yêu cầu kinh nghiệm, hồ sơ cá nhân, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhẹ, lương cao của người trẻ.
Theo ông, sinh viên cần tìm thông tin tuyển dụng ở những kênh uy tín, chính chủ. Khi trao đổi công việc, các bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về nhà tuyển dụng và công việc, yêu cầu, nơi làm việc, mức độ an toàn khi di chuyển, thù lao, hợp đồng lao động.
“Sinh viên tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân bản gốc cho người khác, không đóng bất kỳ khoản phí nào cho giao dịch tìm việc. Những trường hợp phải trả phí qua trung gian hoặc đóng cọc để nhận việc thường có vấn đề”, ông Lê Nguyễn Nam nhấn mạnh.
Theo các giảng viên, sinh viên có thể nhờ phòng công tác sinh viên, trung tâm hỗ trợ sinh viên ở các trường hoặc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên của thành phố để được giới thiệu việc làm.
Lệ Nguyễn