Được phát triển từ cuộc thi Fintech-Blockchain và Sáng kiến du lịch Amazing Việt Nam thường niên của Đại học RMIT, cuộc thi lập kế hoạch kinh doanh RMIT Business Plan Competition – RBPC 2023 do Khoa Kinh doanh Đại học RMIT phối hợp với Câu lạc bộ FinTech RMIT Việt Nam triển khai.
Cuộc thi hướng tới mục tiêu truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên cả nước xác định các vấn đề thực tế đang xoay chuyển thế giới và đưa ra giải pháp sáng tạo hoặc mô hình kinh doanh của riêng mình để giải quyết những vấn đề này, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Với chủ đề “Sáng tạo số cho một tương lai bền vững! Bạn đã sẵn sàng?”, RBPC 2023 mang đến sân chơi bổ ích cho sinh viên và học sinh THPT cả nước để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực và tái hình dung một tương lai bền vững và tiên tiến về công nghệ.
Đề bài của RBPC năm nay tập trung ở năm lĩnh vực trọng tâm gồm Digital Marketing, Quản trị và Thay đổi, Du lịch và Khách sạn, Đổi mới Tài chính, Kinh doanh và Công nghệ.
Chính thức được khởi động vào đầu tháng 8/2023, cuộc thi đã thu hút 89 đội thi gồm học sinh, sinh viên đến từ gần 100 trường đại học và trung học trên toàn quốc. Sau vòng sơ khảo và bán kết, 5 đội xuất sắc nhất đã tiến vào vòng chung kết tại TP.HCM.
Từ nạn lãng phí thực phẩm đến thương mại điện tử, xe điện và hợp đồng thông minh, các ý tưởng tranh tài trong vòng chung kết RBPC 2023 xoay quanh nhiều vấn đề mới nổi cũng như các công nghệ tiên tiến.
Kết quả, đội V3738 đến từ Đại học VinUni (Hà Nội) đã giành danh hiệu vô địch với ý tưởng EcoSight, trợ lý mua sắm thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đội gồm có các sinh viên Quản trị kinh doanh Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Bùi Thị Diễm Hồng, Nguyễn Trí Đức và sinh viên Khoa học máy tính Thái Hữu Trí.
EcoSight khuyến khích mua sắm có ý thức với môi trường và sức khỏe. Theo đó, chỉ với một thao tác quét (scan), khách hàng có thể ngay lập tức biết về chỉ số bền vững của sản phẩm và các thông tin quan trọng khác.
Nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch từ trực tuyến đến trực tiếp, EcoSight có thể được tích hợp dưới dạng ứng dụng phần mềm plugin trong các nền tảng thương mại điện tử. Nhóm cũng đề xuất lắp đặt máy quét thân thiện với môi trường ở các cửa hàng truyền thống.
Ngoài ra, để khuyến khích thói quen tiêu dùng xanh, khách hàng sẽ nhận được điểm thưởng (EcoScores) cho mỗi lần mua hàng bền vững do ứng dụng đề xuất. Điểm thưởng này có thể chuyển thành mã giảm giá.
Đại diện đội V3738, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Đại học VinUni Nguyễn Thị Quỳnh Trang chia sẻ: Là những người trẻ, chúng tôi tin tưởng rằng tiêu dùng xanh sẽ là tương lai của Việt Nam trong năm đến mười năm tới nhờ nhận thức ngày càng cao về tính bền vững và nhu cầu theo đuổi lối sống xanh.
“Trong bối cảnh đó, EcoSight đặt ra sứ mệnh cách mạng hóa thói quen mua sắm của người Việt, giúp các sản phẩm sinh thái tiếp cận nhiều nhóm khách hàng hơn, góp phần xây dựng một xã hội xanh và khỏe mạnh”, sinh viên Nguyễn Thị Quỳnh Trang cho hay.