Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.
Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.
Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn “Kỷ nguyên mới của dân tộc”, ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam…
Đổi mới sáng tạo được xem là động lực cốt lõi để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn tầm hướng tới kỷ nguyên mới của quốc gia, dân tộc. Sở hữu tiềm năng về nguồn nhân lực trẻ giàu sự đam mê đối với các ngành công nghệ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã chia sẻ những đánh giá sâu sắc về nhu cầu, thực trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ông cũng chia sẻ góc nhìn về việc cần hình thành những cơ chế ra sao để tạo điều kiện nhằm giữ chân người giỏi, thu hút nhân tài về nước.
Ông đánh giá thế nào về nhu cầu và trình độ phát triển của nguồn nhân lực dành cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?
TS. Võ Xuân Hoài: Theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá để phát triển kinh tế bền vững. Không chỉ chúng ta khan hiếm, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay châu Âu cũng rất muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ đổi mới sáng tạo, cho các ngành công nghệ cao rất lớn, cả ở trong nước cũng như các nước phát triển. Những ngành nổi lên gần đây như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng sạch… hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cụ thể, ngành bán dẫn dự kiến đến năm 2030 cần tới một triệu nhân lực, trong khi khả năng đáp ứng của các nước hiện vẫn chưa đủ, còn hạn chế so với nhu cầu. Các quốc gia phát triển ngày càng già hóa. Số lượng kỹ sư tham gia vào ngành này lại cần trẻ khỏe, giỏi và nhanh nhẹn.
Việt Nam hiện có lợi thế nhờ sở hữu lực lượng dân số trẻ, trong thời kỳ dân số vàng, có khả năng học những ngành kỹ thuật. Do đó, Việt Nam có thể tham gia vào câu chuyện đổi mới sáng tạo trong nước cũng như các thị trường quốc tế.
Về khả năng, các bạn trẻ Việt Nam có sự đam mê đối với các ngành STEM, kỹ thuật, toán học. Điều này giúp thế hệ trẻ Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như các hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tổ chức.
Minh chứng là thời gian vừa qua, Việt Nam có nhiều kỹ sư trẻ, nhiều nhà nghiên cứu tài năng sau khi được đào tạo trong nước, họ có quá trình học tập và khởi nghiệp tại nước ngoài và đã gặt hái được thành công.
Ví dụ như như TS. Lợi Nguyễn, từ một nhà khoa học, ông đã sáng lập ra doanh nghiệp được Marvell, tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế chip mua lại với giá hàng tỷ USD. Trên thế giới còn có nhiều người Việt xuất sắc như anh Lê Viết Quốc, được coi là bộ não của Google hay anh Hùng Trần – GotIT, anh Thức Vũ – Việt AI,…
Rất nhiều người Việt có khả năng xuất sắc. Chúng ta hoàn toàn có thể tham gia vào những ngành công nghệ mới, đặc biệt là bán dẫn và AI. Năng lực của người Việt Nam rất tiềm tàng, quan trọng làm sao để khai phá khả năng của họ.
Gần đây chúng ta nói nhiều về xuất khẩu lao động trình độ cao. Phải chăng đã có sự thay đổi nhất định về nguồn lực lao động khiến chúng ta không còn sợ việc “chảy máu” chất xám nữa?
TS. Võ Xuân Hoài: Các tài năng trẻ, các kỹ sư hay sinh viên trẻ của Việt Nam nếu có điều kiện học tập ở nước ngoài, sau đó được các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tuyển dụng là điều đáng mừng cho họ và cho đất nước.
Khi tham gia vào thực tế các doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh ở các nước phát triển, họ sẽ có khả năng tiếp thu và làm chủ được một số công nghệ mới. Việc hợp tác trên cơ sở đó còn mang lại lợi ích cao hơn là quay về Việt Nam ngay lập tức sau khi tốt nghiệp.
Trong quá trình làm việc tại nước sở tại, họ cũng sẽ có quan hệ với các đồng nghiệp và doanh nghiệp liên quan. Những mối quan hệ đó cũng sẽ mang tới nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Điều này cho thấy, không phải cứ về Việt Nam mới gọi là giúp cho đất nước. Với bối cảnh hiện nay, nhờ công nghệ số, chúng ta có thể làm việc ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ quốc gia nào.
Hiện nay và sau này, chúng ta vẫn sẽ luôn thiếu nguồn nhân lực. Thế nhưng việc người trẻ tốt nghiệp và làm việc ở nước ngoài không phải “chảy máu” chất xám mà là quá trình cần thiết để đào tạo đội ngũ kỹ sư, tài năng trẻ. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, họ có thể về Việt Nam để phát triển đất nước, hay đóng góp cho các nghiên cứu ở Việt Nam cũng không muộn.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng quay trở lại đóng góp cho đất nước của các chuyên gia người Việt thời gian gần đây?
TS. Võ Xuân Hoài: Những đóng góp của người Việt tại nước ngoài cho cộng đồng trong nước là một xu hướng tất yếu, khách quan.
Không chỉ người Việt Nam, kinh nghiệm cho thấy, kể cả người Hàn Quốc, người Nhật Bản, người Trung Quốc, sau khi học tập, làm việc và thành danh ở các nước sở tại, họ luôn có xu hướng hướng về đất nước, tham gia phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế của quốc gia.
Ở Việt Nam, điều này cũng diễn ra như thế. Đó là xu hướng rất tốt cho Việt Nam. Đây là giai đoạn mà chúng ta cần có sự tham gia sâu và chặt chẽ của cộng đồng chuyên gia, tri thức người Việt ở nước ngoài.
Từ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã xác định, lực lượng tri thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt ở nước ngoài sẽ là trụ cột, đòn bẩy hạt nhân để thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Lực lượng này cũng giúp Việt Nam có thể chuyển sang một kỷ nguyên mới, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tức là, với những con người này, họ sẽ là hạt nhân trọng tâm, làm chủ và đưa công nghệ về Việt Nam để giúp đất nước phát triển.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Sau 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, chúng tôi đã có 10 mạng lưới trên 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng hơn 2.000 thành viên và dự kiến có 10.000 thành viên vào năm 2030.
Trong chuyến công tác mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ các thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tổng Bí thư ngạc nhiên vì hiện nay nhiều người Việt ở Hoa Kỳ rất thành công, không phải với những ngành nghề truyền thống mà là những ngành công nghệ mới, những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới đang có.
Đấy là cơ sở để chúng ta nên tự tin và hỗ trợ cho những tri thức trẻ, giúp họ có cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài. Trong tương lai, họ sẽ phối hợp với chúng ta để phát triển kinh tế và phát triển đất nước.
Chúng ta đã, đang và sẽ có những cơ chế gì để tạo điều kiện nhằm giữ chân người giỏi, thu hút nhân tài về nước để cống hiến cho Việt Nam?
TS. Võ Xuân Hoài: Hiện có rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được Chính phủ cụ thể hóa thông qua các nghị định, quyết định, chỉ thị. Nhưng để áp dụng một cách có hiệu quả các chính sách thu hút tài năng người Việt ở nước ngoài về làm việc, chúng ta chưa có một kết quả được đánh giá là thành công.
Trong quá trình làm việc với thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở các nước, nhiều người đưa ra nhận xét rằng, Việt Nam rất mong muốn có sự tham gia của họ. Tuy nhiên, dù nhiều người rất quan tâm, mong muốn về, họ vẫn chưa có một môi trường thuận lợi để phát huy hết năng lực của mình. Đấy là điều rất đáng tiếc.
Tôi tin rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều cải thiện về môi trường làm việc và các cơ chế phúc lợi xã hội nhằm thu hút nhân tài.
Các tài năng người Việt rất muốn cống hiến. Họ không đòi hỏi quá lớn về phúc lợi. Tuy nhiên họ cũng cần phải được đảm bảo một mức sống cơ bản để yên tâm làm việc cũng như cống hiến.
Các anh, chị, em mong muốn Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách cởi mở hơn nữa, thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đó có thể là các chính sách về thuế, thuế thu nhập cá nhân, chính sách liên quan đến việc cấp giấy phép lao động.
Khi về Việt Nam tham gia vào trong các tổ chức Nhà nước, nhiều tài năng người Việt có trình độ, nhưng lại thiếu các chứng chỉ, bằng cấp theo quy định, trong khi ở nước ngoài họ không cần đến những giấy tờ đó.
Một người rất giỏi, thậm chí từng làm viện trưởng, nhà quản lý điều hành các tổ chức nước ngoài, ở các nước phát triển, nhưng khi về Việt Nam lại phải làm chuyên viên và phụ thuộc vào người khác thì họ sẽ bị một rào cản nhất định.
Nên chăng, một số cơ quan, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các nhân tài người Việt khi trở về nước có thể được bổ nhiệm và tham gia vào những vị trí quản lý, giúp họ phát huy được hết tài năng.
Chúng ta cần làm gì để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam có sự liên kết tốt hơn, nhất là giữa các nhân tài trong và ngoài nước?
TS. Võ Xuân Hoài: Qua kinh nghiệm triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhu cầu phối hợp để phát triển các công nghệ mới, công nghệ lõi là rất lớn. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đối mới sáng tạo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có một rào cản là Việt Nam chưa đưa ra được những bài toán cụ thể. Chúng ta nói rất cần sự tham gia hỗ trợ của tri thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng hỏi cần cụ thể cái gì thì không nói ra được.
Nhà nước phải là người đưa ra bài toán, đề bài, những thách thức cụ thể để các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên của các Mạng lưới đổi mới sáng tạo có thể tham gia một cách thực chất nhằm giải quyết những bài toán quốc gia.
Doanh nghiệp, các tổ chức, trường đại học trong nước cũng cần đề xuất những nhu cầu, khó khăn cụ thể để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Tuy vậy, các bài toán cần phải giải quyết theo hướng chuyên gia dành công sức, trí tuệ phải được trả công hay ghi nhận một cách xứng đáng. Lợi ích mang lại cho cả hai bên phải hài hòa.
Chúng ta chưa có một cái nhìn tổng thể cho việc đấy. Do vậy, các chuyên gia, đặc biệt là nhà khoa học khi tham gia vào đề án, dự án của Nhà nước vô cùng khó khăn.
Đơn giản là chúng ta có quá nhiều quy định không cần thiết. Phải thực hiện rất nhiều thủ tục để làm nghiên cứu khoa học. Đây là điều cần cải thiện để tận dụng được năng lực của các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
Cảm ơn ông!
Theo TS. Võ Xuân Hoài, Việt Nam đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành trọng tâm, trọng điểm như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, học máy,…
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã phối hợp với Google, trao 40.000 suất học bổng đào tạo về AI, học máy, phân tích dữ liệu cho sinh viên các trường đại học của Việt Nam và cả đội ngũ các kỹ sư đang đi làm.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đã phối hợp với chương trình USAID và chương trình CHIPS. (CHIPS Act) của Hoa Kỳ để đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Dự kiến đến năm 2025, chúng tôi sẽ phối hợp với Quỹ đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ quốc tế (ITSI), thuộc sáng kiến CHIPS Act của Hoa Kỳ để đào tạo hơn 4.000 kỹ sư trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử vi mạch.
Những hành động trên cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc đổi mới sáng tạo của đất nước.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cu-huych-dac-biet-ve-nhan-tai-giup-viet-nam-tien-vao-ky-nguyen-moi-2330392.html