Tôi 45 tuổi, dự định khám tầm soát ung thư, siêu âm có biết mắc ung thư vú không? (Ngọc Loan, Cần Thơ)
Trả lời:
Tầm soát ung thư vú là tìm bất thường ở ngực trên người chưa có triệu chứng như u, tiết dịch núm vú… Các phương tiện hình ảnh như siêu âm, nhũ ảnh, cộng hưởng từ (MRI) hỗ trợ bác sĩ xác định ngực có bất thường hay không, tầm soát ung thư vú.
Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao xuyên qua mô ngực. Các hình ảnh, cấu trúc bên trong ngực được hình thành do phản âm từ siêu âm. Đây là phương tiện phổ biến, không xâm lấn, chi phí thấp, không gây hại cho cơ thể người.
Phương pháp này có thể áp dụng với người ở mọi lứa tuổi, hiệu quả tầm soát, chẩn đoán rõ hơn ở phụ nữ có mô vú dày đặc gặp hạn chế khi tầm soát bằng phương pháp nhũ ảnh.
Một số tổn thương trong mô ngực chỉ thể hiện trên một phương tiện siêu âm, nhũ ảnh hoặc MRI nhất định. Tùy vào độ tuổi người bệnh, bác sĩ có chỉ định khác nhau. Bác sĩ thường siêu âm để tìm bất thường trong mô vú của phụ nữ dưới 40 tuổi. Với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, bác sĩ chỉ định phương pháp chụp nhũ ảnh kết hợp với siêu âm.
Khi xác định bất thường ở mô vú, dựa vào các hình thái như bờ đều hay không, có tua gai không, độ đàn hồi cứng hay mềm…, bác sĩ sẽ xếp tổn thương vào nhóm có nguy cơ ác tính hay lành tính. Sau đó, bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh và Ngoại Vú thảo luận, quyết định có sinh thiết để xác định ác tính hay không.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các thế hệ máy siêu âm cải thiện chất lượng hình ảnh, đầu dò nâng cấp nhiều chức năng (khảo sát đàn hồi, vi mạch…) giúp bác sĩ có được hình ảnh chính xác hơn. Tuy nhiên, chỉ siêu âm chưa đủ để tầm soát ung thư vú.
Bạn nên tầm soát ung thư vú. Tùy vào tình trạng hiện tại, bác sĩ có những chỉ định siêu âm phối hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như nhũ ảnh, MRI để tầm soát ung thư hiệu quả.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |