Trung QuốcNam shipper ở Chiết Giang nhảy xuống sông từ cầu cao 12 m để cứu người, sau đó tiếp tục giao đồ ăn cho khách bất chấp chấn thương.
Truyền thông Trung Quốc gần đây đưa tin ca ngợi hành động cứu người của Bành Thanh Lâm, shipper ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Ngày 13/6, khi Bành đang lái xe đạp điện đi giao đồ ăn thì phát hiện một phụ nữ vùng vẫy dưới sông Tiền Đường. Anh trèo qua lan can, cởi giày, kính, bỏ lại điện thoại. “Anh đang làm gì vậy?”, một người trong đám đông hỏi. “Tôi cứu người”, Bành đáp.
Anh đã do dự vài giây trước khi nhảy. “Cầu khá cao khiến chân tôi run lẩy bẩy. Nhưng nếu không nhảy, cô ấy đã có thể chết. Không có gì quý hơn mạng sống”, người đàn ông 31 tuổi nhớ lại.
“Cầu cao 12 mét, nhìn anh ấy nhảy xuống mà tôi thót tim”, một nhân chứng cho biết.
Bành “như bị đánh gục” khi tiếp xúc với mặt nước. Nhưng nghĩ đến phải cứu người, anh cắn răng bơi tới. Sau vài giây ngụp lặn, Bành tiếp cận và ôm lấy người phụ nữ, bơi về phía trụ cầu. Những người trên cầu thả phao cứu sinh, trong khi cảnh sát và ca nô cao tốc lao đến hiện trường.
Nạn nhân được giải cứu trong 10 phút. Sau đó, do lo ngại bị phạt vì giao chậm đồ ăn cho khách, Bành tiếp tục hoàn thành công việc, dù người ướt sũng và bị chấn thương sau cú nhảy.
Bành được chẩn đoán gãy nén đốt sống và phải điều trị tại bệnh viện. Sau hành động dũng cảm, giới chức cũng như công ty giao đồ ăn đã trao anh phần thưởng trị giá 7.000 USD và cơ hội học đại học miễn phí. Một doanh nghiệp ở Hồ Nam, Trung Quốc, thậm chí đề xuất tặng anh một căn nhà.
Sức khỏe của người phụ nữ 29 tuổi được Bành cứu cũng ổn định. Cô bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến shipper 31 tuổi. “Lúc đó tôi không nghĩ mình sẽ được cứu khỏi Diêm Vương”.
Đoạn video về hành động của Bành nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. “Anh hùng không rơi từ trên trời xuống. Anh hùng là những người bình thường ra tay trong giờ khắc sinh tử”, một người bình luận.
Tại bệnh viện, Bành cho biết sẽ không dùng sự nổi tiếng này để livestream bán hàng mà có kế hoạch học đại học. Anh bày tỏ trân trọng những người đến thăm, song không nhận quà hay tiền.
“Chúng tôi không nhận nhà hay tiền, con trai tôi nói đó là số tiền công ty đã vất vả kiếm được. Nếu muốn quyên góp, mọi người hãy quyên góp cho giáo dục”, mẹ của Bành nói.
Lĩnh vực ăn uống của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào shipper. Năm 2022, có tổng cộng 7,38 triệu shipper làm việc cho hai nền tảng giao đồ ăn lớn nhất nước này.
Đức Trung (Theo SCMP, Sohu)