Lợi nhuận sau thuế Thế Giới Di Động giảm 96% so với cùng kỳ, ông Nguyễn Đức Tài và hai lãnh đạo khác không nhận lương trong quý III.
Báo cáo tài chính hợp nhất mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu gần 30.300 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh thu được cải thiện nhưng còn thấp hơn cùng kỳ hơn 5%.
Giá vốn bán hàng giảm không đáng kể khiến lợi nhuận gộp của MWG sụt 23% về gần 5.700 tỷ đồng. Nhóm các chi phí thường xuyên có xu hướng tăng.
Tổng lại, doanh nghiệp này lãi sau thuế hơn 38,7 tỷ đồng. Cải thiện so với hai quý đầu năm nhưng mức này đang đi lùi 96% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Ngoài ra, công ty rà soát lại và xử lý một số thiết bị dư ra sau quá trình tái cấu trúc Bách Hóa Xanh và hiện nay suy giảm giá trị, không còn đảm bảo hiệu quả sử dụng. Việc này không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi của chuỗi Bách Hóa Xanh nhưng tác động đến lợi nhuận chung của MWG.
“Trong kỳ, công ty đưa ra nhiều khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu”, Thế Giới Di Động nêu trong văn bản giải trình.
Lợi nhuận giảm mạnh khiến cổ phiếu MWG nằm sàn và “trắng bên mua” trong phiên hôm nay. Với thị giá 37.700 đồng một đơn vị, mã này đang ở vùng giá thấp nhất 34 tháng kể từ cuối tháng 12/2020.
Ông Nguyễn Đức Tài không nhận lương
Theo báo tài chính hợp nhất quý III, trong 9 tháng đầu năm nay, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có thu nhập 226,3 triệu đồng. Con số này từng được thể hiện trong báo cáo tài chính bán niên soát xét. Điều này đồng nghĩa, ông Tài không nhận lương trong quý III.
Tương tự, ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, cũng làm việc không lương. Ông Trần Huy Thanh Tùng – CEO của MWG, cũng không được trả đồng lương nào.
Trong khi đó, ông Rober Willett – thành viên Hội đồng quản trị, lại nhận gần một tỷ đồng thù lao trong quý III. Lũy kế 9 tháng, người này có lương hơn 2,1 tỷ đồng. Ông Đặng Minh Lượm – thành viên Hội đồng quản trị, nhận gần 100 triệu đồng trong quý III và 532 triệu đồng trong 9 tháng.
MWG cũng bắt đầu tuyển dụng thêm người lao động. Số lượng nhân viên đến cuối tháng 9 là gần 68.400 người, tăng gần 350 nhân viên so với quý II. Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn hồi cuối năm ngoái với hơn 74.000 người lao động. Trước đó, MWG sa thải gần 6.000 lao động trong quý đầu năm và gần như nguyên số lượng nhân viên hơn 68.000 người đến cuối quý II.
Bán hơn 18.000 iPhone trong tháng 9
Tuy sức mua điện thoại nhìn chung còn yếu, MWG cho biết vẫn bán được 18.000 iPhone 15 trong tháng 9. Doanh thu từ dòng điện thoại mới nhất của Apple đóng góp gần 600 tỷ đồng.
Cùng với iPhone, hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận yếu tố mùa vụ khi bán hàng tốt về điện thoại trong các đợt ra mắt sản phẩm mới và máy tính xách tay trong mùa tựu trường. Nhờ đó, doanh thu tháng 9 đạt hơn 7.200 tỷ đồng, tăng 7% so với tháng 8 và cao nhất kể từ tháng 6.
Ngoài điểm sáng từ dòng sản phẩm iPhone, hệ sinh thái của ông Nguyễn Đức Tài bắt đầu thu trái ngọt từ Bách Hóa Xanh sau giai đoạn tái cấu trúc. Doanh thu lũy kế 9 tháng đạt gần 22.300 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này đóng góp gần 26% tổng doanh thu cho MWG, cao hơn cả chuỗi Thế Giới Di Động (có tính TopZone).
Trong quý III, Bách Hóa Xanh lỗ thuế gần 250 tỷ đồng, thấp hơn so với các quý trước đây. Lũy kế 9 tháng, chuỗi bán lẻ này lỗ thuế 905 tỷ đồng. Con số này cải thiện đáng kể so với mức lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Tất Đạt