Báo cáo kết quả soạn thảo văn bản của Bộ GD&ĐT năm 2023, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh cho biết: Năm 2023, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ.
Nội dung các văn bản phù hợp với văn bản cấp trên như Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; các Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, các Bộ, ngành có liên quan ban hành.
Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đã được thẩm định trước khi ban hành, tác động tích cực đến sự ổn định phát triển của ngành giáo dục.
Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đi vào cuộc sống, giải quyết bước đầu một số bức xúc của xã hội, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.
Công tác phối hợp giữa đơn vị chủ trì soạn thảo với các đơn vị của cơ quan thẩm định đã được quan tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ văn bản. Công tác phối hợp của các đơn vị trong Bộ GD&ĐT ngày càng tốt hơn, trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác soạn thảo văn bản của của Bộ GD&ĐT năm 2023 còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn tình trạng văn bản chậm muộn phải xin điều chỉnh thời gian;
Kinh phí chi cho công tác soạn thảo văn bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; một số nội dung đề xuất chưa bám sát cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và chưa đảm bảo nguồn lực thực tế.
Để công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT đạt tiến độ, hiệu quả, chất lượng, Vụ Pháp chế đề nghị các đơn vị cần xác định công tác xây dựng Luật và công tác soạn thảo, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của đơn vị.
Việc xây dựng Chương trình soạn thảo văn bản dựa trên kết quả rà soát văn bản của các đơn vị để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tăng cường lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án, dự thảo; tăng cường làm việc chuyên gia, các nhà khoa học dưới các hình thức thích hợp.
Tổ chức đánh giá tác động của việc soạn thảo, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để có kế hoạch soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời. Tăng cường công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác soạn thảo văn bản, thực hiện nhiệm vụ pháp chế; những việc đã làm được, vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp triển khai nhiệm vụ pháp chế cho năm 2024 và những năm tiếp theo.
Khẳng định vai trò quan trọng của công tác pháp chế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và nhấn mạnh: Nếu chúng ta quyết tâm, có sự chuẩn bị tốt, xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, người đứng đầu đơn vị sâu sát, giao việc đúng người đúng việc, kiểm đếm liên tục… sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ công việc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ chính yếu, quan trọng trong quản lý nhà nước, luôn được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là khâu đột phá chiến lược.
Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đang trong quá trình đổi mới, chuyển đổi; mà muốn đổi mới được cần phải có khung pháp lý, cần có nền tảng về thể chế. “Sẽ không có đổi mới nếu không có kiến tạo, mở đường của thể chế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhận định, chặng đường 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chặng khai phá những nét lớn trong đổi mới, nhiều khung pháp lý lớn đã làm, Bộ trưởng cho rằng: Giai đoạn tới sẽ là đi vào những điểm chi tiết có tính chất chiều sâu, do đó công tác thể chế giai đoạn này sẽ khác trước, số lượng nhiều hơn, yêu cầu cao hơn, tiến độ đòi hỏi nghiêm ngặt, tính phức tạp của công việc cũng gia tăng.
Với dự tính khối lượng công việc pháp chế giáo dục và tạo năm 2024 sẽ rất lớn, Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề cần tập trung như: Tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tác động trong quá trình xây dựng chính sách;
Tập trung bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của Bộ GD&ĐT; tăng cường chất lượng, khả năng của các chuyên viên từng đơn vị.
Bộ trưởng cũng đề cập tới việc cần tính đến có một cơ sở dữ liệu riêng của bộ phận pháp chế, tránh xung đột, mâu thuẫn, trùng lặp chính sách; việc thống nhất tổ chức hội nghị chuyên đề pháp chế định kỳ hàng quý và việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách.