"Sáp nhập là câu chuyện cần phải làm, thậm chí phải làm sớm hơn", Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) nêu quan điểm.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam, mô hình tổ chức bộ máy hành chính hiện tại của Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông cho rằng, sự "manh mún, cồng kềnh" của bộ máy này đang làm chậm bước tiến của nguồn lực xã hội và kinh tế.
Phân tích cụ thể hơn, Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam chỉ rõ điều này thể hiện qua việc phân chia các đơn vị hành chính. "Chúng ta chẻ nhỏ các địa phương thành 63 tỉnh, thành chủ yếu dựa vào không gian địa lý là chính, dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong quản lý và điều hành", ông nói.
Ông lấy ví dụ điển hình là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với diện tích hơn 40.000km2 nhưng lại có tới 13 tỉnh, thành, điều này đang tạo ra những trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của toàn vùng.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang đối diện với một bài toán cấp bách: làm sao thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình. Ông nhận định đây là "ngưỡng" phát triển quan trọng mà Việt Nam cần phải vượt qua. "Đây là thời cơ chín muồi sau quá trình nghiên cứu của Đảng, của các nhà quản lý, nhà khoa học… buộc chúng ta phải thay đổi để phát triển, vực dậy nền kinh tế", ông khẳng định.
Từ những phân tích trên, Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam cho rằng việc sáp nhập các đơn vị hành chính là một chủ trương "rất kịp thời, cấp bách, rất cần thiết". Ông kết luận: "Ta không thể nào trễ hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương này".
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính các cấp đang được nhìn nhận là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay. Theo Giám đốc VCCI Cần Thơ, một trong những lợi ích lớn nhất của việc sáp nhập là công tác quản trị nhà nước sẽ được nâng cao.
Vị này cho rằng, tình trạng "dư người" trong bộ máy hành chính dẫn đến lãng phí thời gian và tăng gánh nặng chi phí. "Trung bình một công chức chỉ làm 30-40% khối lượng công việc bởi chúng ta có quá nhiều người", Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định. Do đó, việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí hành chính.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam cũng đưa ra những phân tích sâu sắc về lợi ích của việc sáp nhập trong công tác quy hoạch. Ông cho rằng, thực tiễn hiện nay cho thấy sự bất cập khi có tới 63 quy hoạch của 63 tỉnh, thành, trong khi chỉ có 6 vùng kinh tế. "Mỗi quy hoạch đều tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và cứ 10 năm lại phải thay đổi quy hoạch một lần", Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam nói. Ông cho rằng, việc gộp các tỉnh với quy mô phù hợp về diện tích, dân số sẽ giúp công tác quy hoạch trở nên tiết kiệm và đồng bộ hơn.
"Ngoài ra, trong quy hoạch hiện tại chúng ta còn sự chồng chéo luật, vướng mắc ranh giới hành chính giữa các địa phương. Nếu chúng ta sáp nhập, không gian quy hoạch được tháo gỡ, chất lượng sẽ tăng lên", Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.
Về lợi ích kinh tế, Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam khẳng định cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ việc sáp nhập cấp tỉnh, do quy mô kinh tế được mở rộng. Ông cho rằng, trong thời gian qua, các địa phương đều muốn có một cấu trúc phát triển kinh tế riêng, tạo các cụm công nghiệp riêng, quy mô nhỏ và manh mún. "Nếu sáp nhập, chúng ta sẽ hình thành được những cụm công nghiệp lớn, đô thị tập trung, diện tích vùng nông nghiệp tăng, giúp kinh tế nông nghiệp phát triển hơn nữa", ông nói.
Thạc sĩ Nguyễn Phương Lam cũng chỉ ra rằng, việc sáp nhập sẽ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công. Ông lấy ví dụ, trong 10 năm qua, Trung ương đã đầu tư công khá nhiều vào Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hiệu quả giải ngân và tốc độ phát triển chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu là do những hạn chế về địa giới hành chính, năng lực và sự chồng chéo trong quản lý, thủ tục hành chính thiếu logic giữa các tỉnh.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng việc phân chia hành chính hiện tại đang tạo ra những rào cản. Các chuyên gia cho rằng, sáp nhập các đơn vị hành chính là giải pháp để khai phá tối đa tiềm năng của vùng.
Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, ĐBSCL có những lợi thế đặc biệt trong quy hoạch phát triển kinh tế. Ông dẫn chứng: "Chúng ta đã có những lợi thế trong quy hoạch của vùng ĐBSCL như vùng tứ giác Long Xuyên (Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, một phần Cần Thơ,…) với tiềm năng sản xuất nông nghiệp". Theo ông, nếu khoanh vùng này thành một tỉnh, tỉnh này có thể tập trung phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Tương tự, các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… cũng có thể được quy hoạch thành một đơn vị hành chính để tập trung phát triển kinh tế thủy hải sản.
Ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế toàn vùng. "Nhiệm vụ đặt ra cho cả vùng phải phát triển kinh tế hiệu quả, hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho người dân… Đó là câu chuyện cấp vùng mà khi sáp nhập chúng ta sẽ giải được bài toán về nguồn lực lao động, thu hút các dự án mới khi không còn rào cản ranh giới giữa nhiều tỉnh", ông nói. Ông cũng cho rằng, vùng ĐBSCL có thể chia thành 3-4 đơn vị cấp tỉnh là phù hợp.
Thạc sĩ Trương Chí Hùng, giảng viên Trường Đại học An Giang, cho rằng ĐBSCL có một nền tảng văn hóa chung, tạo thuận lợi cho việc sáp nhập. "Tổng thể ĐBSCL có nền tảng văn hóa sông nước đều chi phối đến đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của người dân", ông nói.
Ông cũng chỉ ra rằng, về mặt địa lý, việc sáp nhập tỉnh sẽ không gây ra những thay đổi quá lớn. "An Giang đầu nguồn sông Hậu, Đồng Tháp đầu nguồn sông Tiền, Sóc Trăng và Trà Vinh nổi bật văn hóa Khmer hay nhóm phù sa mặn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Có thể thấy nền tảng văn hóa giữa các địa phương liền kề không khác nhau nhiều", Thạc sĩ Trương Chí Hùng chia sẻ.
Thạc sĩ Trương Chí Hùng cho rằng, thời cơ để thực hiện sáp nhập đã đến. "Chúng ta đã có sẵn tất cả chỉ chờ một thời cơ và đó chính là lúc này", ông nói. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần chuẩn bị một bộ máy cấp xã tinh nhuệ, có khả năng đảm đương tốt nhất khối lượng công việc được giao.
Trong cuộc "cách mạng" tinh gọn, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ môi trường hành chính tinh gọn hiệu quả, thủ tục đơn giản. Qua đó tạo động lực thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển bền vững thì chính quyền cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và liên kết các chuỗi giá trị trong, ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản.
Theo Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nói đến doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà phải mở rộng ra cả kinh tế tư nhân. Trong hơn 3 thập niên qua, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, chuyển mình từ thành phần kinh tế nhỏ, manh mún thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Qua số liệu thống kê cho thấy khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp xấp xỉ 50% GDP, tạo việc làm cho 85% lao động cả nước, đóng góp gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 56% tổng đầu tư của toàn xã hội. Do đó, nhìn ở góc độ doanh nghiệp, ngoài những doanh nghiệp nhà nước, phải chú trọng phát triển kinh tế tư nhân.
"Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy bỏ cấp huyện để chuyển sang không gian hành chính rộng lớn hơn, phát huy vai trò của cấp cơ sở - cấp xã - và năng lực cấp tỉnh, khi nhìn vào góc độ phát triển kinh tế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng", Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nói.
Mặc dù ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Ngoài phát triển nông nghiệp bền vững, phải gắn kết với các ngành kinh tế khác, chẳng hạn như công nghiệp (sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp), du lịch nông nghiệp,... để gia tăng giá trị.
"Tất cả các yếu tố này sẽ đặt ra bài toán về phát triển nông nghiệp nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, sức hút hơn đối với doanh nghiệp đầu tư trong tương lai. Muốn vậy chúng ta phải có các chính sách lớn đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, gắn kết giữa nông nghiệp và các ngành khác để phát triển bền vững", Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nêu kỳ vọng.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/noi-vu/sap-nhap-tinh-de-phat-trien-bai-toan-kinh-te-va-loi-giai-tu-dbscl-20250319113334098.htm
Bình luận (0)