“Đồng bằng ơi! Trong gian lao người chiến sĩ miền Tây/ Chung tay cùng xây dựng nông thôn mới/ Cho quê hương thêm đổi thay từng ngày/ Cho đồng bằng thêm giàu đẹp hôm nay”, đó là một đoạn trong bài hát “Đồng bằng xanh” do Trung tá QNCN Đặng Vũ Phương, nhân viên Câu lạc bộ, Phòng Chính trị Lữ đoàn 29, Quân khu 9 sáng tác ca ngợi hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 9 trong tham gia góp sức xây dựng nông thôn mới.
Video ca nhạc này là sáng kiến tiêu biểu trong Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ năm 2023 của Lữ đoàn 29.
Trung tá QNCN Đặng Vũ Phương kể: “Tôi viết bài này năm 2019 và bắt đầu lên ý tưởng hòa âm, phối khí, dàn dựng video ca nhạc vào tháng 10 năm ngoái. Được thủ trưởng tạo điều kiện, đồng đội cùng cơ quan, các bạn đoàn viên đơn vị kết nghĩa nhiệt tình ủng hộ nên chỉ trong 5 tháng đã hoàn thành, giúp tôi thực hiện được điều tôi ấp ủ từ lâu”. Thời lượng video ca nhạc “Đồng bằng xanh” dài hơn 5 phút với nhiều cảnh quay sắc nét phản ánh chân thật. Anh Phương xây dựng kịch bản, chọn cán bộ, chiến sĩ có khiếu diễn xuất, ca hát, sau đó khảo sát bối cảnh quay đồng bằng, làng quê thanh bình cho phù hợp.
Trung tá Võ Quốc Thương, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 29 nói: “Đơn vị rất hoan nghênh sáng kiến của đồng chí Phương. Sáng kiến không chỉ mang tính giải trí mà còn lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, tình đoàn kết quân dân, nhất là trong giáo dục truyền thống cho đối tượng chiến sĩ mới”.
Thượng úy Kim Hiểu giới thiệu sáng kiến cải tiến “Pa-nô cổ động kết hợp hộp báo thao trường”. |
Còn đối với Trung đoàn 3 (Sư đoàn 330, Quân khu 9), năm 2023 có 16 sáng kiến được thẩm định, tham gia Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ cấp sư đoàn; trong đó có 3 sản phẩm thuộc mảng công tác Đảng, công tác chính trị. Nhận thấy mỗi khi huấn luyện, việc bố trí, mang vác vật chất cổ động thao trường tốn thời gian và nhân lực, Thượng úy Kim Hiểu, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 308 bắt tay nghiên cứu cho ra đời sáng kiến cải tiến “Pa-nô cổ động kết hợp hộp báo thao trường”.
Anh Hiểu cho biết: “Trước đây, cần ít nhất 3 đến 5 chiến sĩ mang vác pa-nô cổ động, cán cờ, hộp báo. Khi cơ động đường xa thì khá bất tiện. Do đó, tôi nghiên cứu, thiết kế tích hợp cải tiến gồm 3 phần: Phần bảng, cán cờ và chân bảng; trong đó mặt trước của bảng là nội dung tuyên truyền, cổ động, mặt sau đựng sách, báo; có thể tháo lắp nhanh gọn; chỉ cần một người là có thể hoàn thành việc này”.
Ngoài ra, sáng kiến “Loa phóng đa năng” của Thượng úy Dương Nhật Duy, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 312, Trung đoàn 3 được chỉ huy cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Sáng kiến này hỗ trợ đắc lực trong công tác tuyên truyền các nhiệm vụ. Cấu tạo gồm có nguồn điện, loa, micro, thiết bị thu sóng vô tuyến, bộ phận khuếch đại âm thanh. Trong điều kiện ăn ở dã ngoại, có thể sử dụng loa để phát bản tin truyền thanh, tổ chức văn nghệ, mặt khác giúp người chỉ huy điều hành đội hình tập bài chiến thuật ở địa hình phức tạp.
Chúng tôi được biết, hằng năm, thông qua Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 9 cho ra đời nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, qua đó góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện cho bộ đội.
Bài và ảnh: CÔNG KHANH