Ca sĩ Hạ Châu hạnh phúc và tự hào về chặng đường nghệ thuật hơn 40 năm gắn bó với màu áo lính
HTV vừa tổ chức chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn với chủ đề “Bài ca người lính”, gặp gỡ các văn nghệ sĩ đã từng công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Đây là chương trình vinh danh người nghệ sĩ là chiến sĩ nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 – 22.12.2024).
.Phóng viên: Cảm xúc của bà thế nào khi gặp lại các đồng đội một thời sát cánh bên nhau tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7?
– Ca sĩ HẠ CHÂU: Tôi rất xúc động. Trong không khí ấm áp, thân tình, văn nghệ sĩ là chiến sĩ đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua những lời ca, tiếng hát, những bài thơ, những tâm sự… Tôi và ca sĩ Kim Khánh khóc rất nhiều vì đã lâu chúng tôi mới hội ngộ cùng các bạn diễn viên, ca sĩ trẻ như: Thúy Loan, Trung Kiên, Bích Hương… Nhớ rất nhiều những lần biểu diễn phục vụ bộ đội ở biên giới Tây Nam và những chuyến lưu diễn phục vụ chiến sĩ ở các quân khu trên toàn quốc.
Buổi gặp mặt cũng là dịp cổ vũ, động viên các văn nghệ sĩ – chiến sĩ không ngừng hăng say, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của người dân.
.Bà kỳ vọng gì về những thành tựu nghệ thuật của thế hệ trẻ hôm nay?
– Những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, trong đó có những ca sĩ, nghệ sĩ trẻ tại TP HCM vẫn nỗ lực không ngừng làm đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết thắng của quân và dân ta để xây dựng quê hương, đất nước trong giai đoạn mới.
Tôi đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, có thể kể đến như ca sĩ Trung Kiên ngoài biểu diễn còn tham gia công tác đào tạo; ca sĩ Bích Hương dồn sức cho công tác thiện nguyện, công tác xã hội, chăm lo cho người nghèo; nghệ sĩ Thúy Loan vẫn miệt mài lan tỏa những bài ca cổ viết về bộ đội… Và còn nhiều nữa những thế hệ nghệ sĩ là chiến sĩ vẫn đang nỗ lực chung tay góp phần vào việc thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa của TP HCM.
.Bài hát nào đã gắn liền với tên tuổi của bà trong những năm tháng hào hùng khoác áo lính?
– Dù về hưu, nhưng mỗi khi có chương trình biểu diễn tại địa phương hoặc tham gia Sân khấu học đường, tôi và ca sĩ Kim Khánh vẫn hát bài “Hát về anh” của NSND, nhạc sĩ Thế Hiển. Bài hát này đã gắn liền với tuổi thanh xuân của chúng tôi, theo chúng tôi đi diễn khắp nơi trên toàn quốc, được hàng ngàn chiến sĩ bộ đội cổ vũ.
Có những cánh thư của các chiến sĩ gửi cho tôi, bày tỏ niềm cảm xúc khi nghe bài hát này. Họ mong có dịp vào TP HCM gặp tôi và thăm các chiến sĩ văn công tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7.
.Là nghệ sĩ gắn bó với chương trình Sân khấu học đường của Sở VH-TT TP HCM, bà quan tâm đến vấn đề nào nhất trong chiến lược xây dựng nền văn hóa nghệ thuật của TP HCM?
– Tôi có trên 15 năm gắn với hoạt động Sân khấu học đường, gắn bó với CLB Sân khấu Lạc Long Quân, biểu diễn tại hơn 200 trường học trên địa bàn TP HCM. Trong chiến lược xây dựng nền văn hóa nghệ thuật của TP HCM, tôi đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các văn nghệ sĩ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.
TP HCM là nơi đi đầu trong việc đẩy mạnh phương thức xã hội hóa. Chỉ tính riêng sân khấu, đã có đến 22 đơn vị ngoài công lập đang sáng đèn với hai bộ môn cải lương, kịch nói. Còn về sân khấu ca múa nhạc thì rất đông ca sĩ, nhạc sĩ đang hoạt động sôi nổi. Tôi tin nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp các dự án về nghệ thuật cộng đồng sẽ thăng hoa.
.Là con gái của cố nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn, bà có dự án nào để quảng bá những tác phẩm kịch nói, nhạc kịch và ca khúc của cha mình?
– Cha tôi để lại hơn 200 ca khúc, trong đó có hơn 100 kịch bản về nhạc kịch, kịch ngắn. Gia đình chúng tôi luôn nỗ lực quảng bá những tác phẩm của ông. Vừa qua, Sân khấu kịch Hồng Vân đã dàn dựng vở nhạc kịch “Bông cánh cò” của cha tôi, tham gia Liên hoan TP HCM lần 1 – 2024 và nhận được giải thưởng.
Trong năm 2025, tôi đã lên kế hoạch thực hiện nhiều chuyến lưu diễn, gắn kết với chương trình Sân khấu học đường, đồng thời thực hiện một số MV quảng bá những sáng tác của cha tôi (những ca khúc mang âm hưởng dân ca). Tôi cũng ấp ủ kế hoạch chung sức cùng với thế hệ ca sĩ trẻ tái hiện lại những bản anh hùng ca viết về người lính và quảng bá trên các nền tảng số. Những bài hát sẽ được hòa âm phối khí mới, thể hiện qua tiếng hát của hai thế hệ ca sĩ đã gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7.
.Là người nghệ sĩ đã từng mặc áo lính, bà có dự định sẽ sáng tác ca khúc về người lính?
– Tôi không thể như cha mình. Việc học và viết nhạc đòi hỏi phải có năng khiếu và toàn tâm, toàn ý để thực hiện. Tuy nhiên, tôi có nhiều học trò đang học sáng tác âm nhạc, tôi sẽ cung cấp ý tưởng của mình để các em viết nhạc.
Nhân đây cũng xin chia sẻ là tôi đánh giá cao cuộc vận động sáng tác ca khúc mang chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” của Báo Người Lao Động. Học trò tôi tham gia cuộc vận động này rất nhiều. Các em đã viết về TP HCM với góc nhìn rất mới của tuổi trẻ hôm nay.
Ca sĩ Hạ Châu sinh năm 1957, là con gái thứ 5 của cố nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn. Năm 1976, ở tuổi 18, bà ứng tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu 7, trở thành thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của đơn vị. Sau một năm tạm tuyển, tháng 2-1977, bà được Đoàn đưa ra Bắc theo học Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội.
Ngày trở về, đúng lúc xảy ra Chiến tranh biên giới Tây Nam, bà theo Đoàn lên đường sang Siem Reap, Campuchia làm nhiệm vụ. Cũng trong thời gian này, bà được kết nạp Đảng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà được trường quân đội gọi ra Bắc để tiếp tục việc học.
Bà là thầy dạy thanh nhạc cho các ca sĩ: Như Hảo, Đông Đào, Đàm Vĩnh Hưng, Mai Phương, Phùng Ngọc Huy, Hồng Ngọc…
Nguồn: https://nld.com.vn/ca-si-ha-chau-tu-hao-khi-hat-ve-nguoi-linh-196241221203039628.htm