Tôi có rất nhiều bữa tiệc trùng vào lịch chích ngừa, ví dụ sáng nhậu, chiều tiêm vaccine viêm gan B. Như vậy, tôi có cần hoãn tiêm vaccine không, thưa bác sĩ? (Hoàng Phúc, 32 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Hiện y khoa không chống chỉ định sử dụng rượu trước và sau khi tiêm tất cả loại vaccine, trong đó có mũi ngừa viêm gan B. Phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, tư vấn và chỉ định tiêm phù hợp.
Tuy nhiên, rượu và các đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng tới triệu chứng phản ứng sau tiêm. Ví dụ tình trạng dị ứng cồn sẽ khó phân biệt với dị ứng vaccine, hoặc người tiêm quá say sẽ không tự theo dõi được phản ứng bất thường sau tiêm. Điều này dẫn đến việc phát hiện và điều trị kịp thời các phản ứng nặng trở nên khó khăn.
Với các bất lợi có thể xảy ra khi uống rượu trong thời gian tiêm chủng, bạn có thể lấy lý do này để từ chối khéo các cuộc hẹn không mong muốn, đặc biệt trong dịp gặp mặt cuối năm. Trong trường hợp vẫn phải uống nhiều rượu bia, bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để dời lịch tiêm, giúp cơ thể có thời gian đào thải cồn. Khi chích ngừa, bạn cần khai báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm phù hợp nhất.
Đối với vaccine viêm gan B, bạn nên hoàn thành phác đồ chích ngừa càng sớm càng tốt. Việt Nam hiện nằm trong vùng lưu hành của virus gây bệnh, là tác nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Có hai loại gồm mũi tiêm ngừa viêm gan B đơn và kết hợp, có thể tiêm ngừa cho trẻ từ sơ sinh đến người lớn.
BS Bùi Thanh Phong
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC