Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa mà còn là dịp để những sản phẩm OCOP của Lạng Sơn chạm đến tay người tiêu dùng từ mọi miền. Sự hòa quyện giữa nét đẹp văn hóa và những đặc sản độc đáo đã tạo nên sức hút lớn ở các gian hàng.
Hương vị quê nhà trên mỗi gian hàng
Tấp nập người qua lại, các gian hàng của Lạng Sơn như những “sân khấu” sinh động giữa lòng ngày hội, thu hút người tham quan bởi màu sắc, hương vị và câu chuyện đầy tự hào. Bước đến gian hàng của huyện Hữu Lũng nhanh chóng thu hút sự chú ý bởi những trái na căng mọng, ngọt lịm.
Bác Lê Đức Hải, người đã gắn bó với cây na trên đất Lạng Sơn từ bao năm, nói về thành quả của mình: “Na ở núi đá nên có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng, không nơi nào sánh được”.
Du khách đến gian hàng không khỏi ngạc nhiên khi được thưởng thức những trái na chắc, giòn, ngọt đậm đà – một hương vị lạ lẫm mà đậm đà tình đất. “Nhờ ngày hội này, sản phẩm na OCOP của tôi được quảng bá rộng rãi hơn, có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng”, bác Hải chia sẻ với nụ cười hiền hậu.
Chia sẻ thêm với báo Dân Việt, người “cha đẻ” của giống na đặc biệt: “Tôi đã ghép thành công na sầu riêng, na giống Đài Loan, na Yên Sơn trên diện tích hơn 1ha, tôi đã bọc trái từ khi còn nhỏ để đảm bảo an toàn, vì mong khách ăn thấy ngon, an tâm và mong muốn thành lập hợp tác xã để phát triển loại quả này tiếp cập được đến thị trường rộng hơn”.
Những khách tham quan đứng quanh lắng nghe và thử nếm trái na đều xuýt xoa, có người ngạc nhiên vì na ở đây khác biệt, giòn, ngọt thanh và thơm nồng hơn hẳn những nơi khác.
Chị Mai, một du khách đến từ Cao Bằng, chia sẻ cảm xúc sau khi thưởng thức: “Thấy bảo là na ở đây là đặc sản, tôi tò mò muốn nếm thử. Quả thật là na rất thơm, ăn một lần là nhớ mãi, cũng giống như con người nơi đây, vừa thật thà lại vừa dễ mến”.
Chuyển sang gian hàng Bắc Sơn, không gian như mang hương lúa và hồn quê với các sản phẩm OCOP đặc trưng như bánh chưng đen, bưởi da xanh và nếp cái hoa vàng lại là những điểm nhấn thu hút du khách.
Nổi bật nhất phải kể đến bánh chưng đen, loại bánh được làm từ gạo nếp ngâm tro rơm của giống lúa đặc sản, mang lại màu sắc và hương vị khác biệt.
Chị Hoàng Thị Hợi, viên chức tại trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Bắc Sơn giới thiệu: “Bánh chưng đen ăn mát, vị thơm lạ so với bánh chưng thường, được làm hoàn toàn thủ công từ gạo nếp cái hoa vàng”.
Từng chiếc bánh không chỉ là đặc sản OCOP mà còn là nét văn hóa riêng biệt của người Bắc Sơn, một hương vị khiến du khách không khỏi trầm trồ.
Chị Hợi chia sẻ thêm: “Cả quá trình làm bánh đều là thủ công và tâm huyết của bà con. Tôi mong muốn sản phẩm Bắc Sơn ngày càng được nhiều người biết đến, để khi nhắc đến bánh chưng đen, họ sẽ nhớ về quê hương của chúng tôi”.
Đậm đà hồn quê, bay xa thương hiệu
Gian hàng của huyện Tràng Định, với các sản phẩm OCOP nổi bật như trà hồi, bánh khảo, thạch đen, cũng thu hút sự chú ý không kém.
Chị Trần Thị Thu Lan, giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền Tràng Định, chia sẻ về sản phẩm trà hồi Lan Ngọc, một cái tên mà chị tự hào là “quý như ngọc” của vùng đất Tràng Định.
Chị Lan bộc bạch với phóng viên báo Dân Việt: “Cái tên trà hồi Lan Ngọc có nghĩa Lan là tên cá nhân của chị còn Ngọc được ví như là hoa hồi quý
như ngọc của vùng đất Lạng Sơn, nơi hồi là sản vật thiêng của người dân địa phương”.
Các sản phẩm trà và thạch từ sáng đã “cháy hàng” khi vừa bày bán nhờ sự đón nhận nhiệt tình từ du khách. Tham gia ngày hội quảng bá này để cho mọi người được biến đến các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh Lạng Sơn nói chung và của huyện Tràng Định nói riêng được phủ sóng và biết đến nhiều hơn.
Chị Lan tin tưởng rằng, nhờ vào những dược liệu quý của địa phương, các sản phẩm của HTX sẽ không chỉ phát triển trong nước mà còn có tiềm năng vươn xa ra quốc tế.
Anh Bình, một người khách đến từ Hà Nội, chia sẻ rằng sản phẩm dược liệu OCOP ở Lạng Sơn mang đến cảm giác an tâm và gần gũi, không chỉ vì hương vị mà còn vì câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm: “Những thứ mà bà con đưa vào sản phẩm rất gần gũi và nguyên sơ. Ở Hà Nội, tôi hiếm khi tìm được những món như thế này, nên khi đến đây, tôi thấy rất đáng để mua và mang về dùng lâu dài”.
Dừng chân tại gian hàng của thành phố Lạng Sơn, du khách không thể bỏ qua sản phẩm macca của bác Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty Macca Hoàng Liên.
Gian hàng của bác gồm những sản phẩm từ hạt macca như macca sấy nứt, mật ong hoa macca và một số sản phẩm phụ khác. Bác Hùng chia sẻ về hành trình phát triển sản phẩm từ những ngày đầu khó khăn đến khi macca Hoàng Liên trở thành một trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2023, đạt chuẩn OCOP và đang chuẩn bị xuất khẩu quốc tế, đặc biệt là sang Nga và Trung Quốc.
Bác Hùng cho biết: “Đưa macca ra quốc tế là ước mơ tôi theo đuổi bấy lâu. Sản phẩm của tôi đã được kiểm nghiệm và nhận được đánh giá cao từ thị trường quốc tế, nhưng vẫn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển do tình hình quốc tế”.
Đồng thời, bác cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với UBND tỉnh và các cơ quan đã tổ chức ngày hội, giúp macca Hoàng Liên có thêm cơ hội vươn xa.
Du khách khi đến đây đều tò mò về hạt macca Lạng Sơn, một sản phẩm giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Sau khi thử, nhiều người tỏ ra thích thú trước sự sáng tạo và đổi mới trong sản xuất nông sản. Bác Hùng tin tưởng rằng đây sẽ là hướng đi bền vững cho nông nghiệp Lạng Sơn, góp phần phát triển thương hiệu OCOP của tỉnh và vươn ra thị trường quốc tế trong tương lai.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn không chỉ là dịp để người dân địa phương gặp gỡ, giao lưu văn hóa mà còn là cầu nối giúp các sản phẩm OCOP Lạng Sơn đến gần hơn với người tiêu dùng, vươn tới những thị trường xa hơn.
Đây không chỉ là niềm tự hào cho người dân mà còn là câu chuyện về sự phát triển bền vững, về những giá trị văn hóa và chất lượng sản phẩm đang ngày càng được khẳng định. Hy vọng rằng mỗi đặc sản của Lạng Sơn sẽ tiếp tục “bay cao, bay xa”, trở thành niềm tự hào của người dân địa phương trên mọi nẻo đường, góp phần xây dựng kinh tế địa phương bền vững.
nguồn: https://danviet.vn/san-pham-dac-san-ocop-lang-son-ban-chay-nhu-tom-tuoi-o-ngay-hoi-van-hoa-dong-bac-20241105070415996.htm