46 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Vùng đất biên cương hồi sinh

Tại Pháo đài Đồng Đăng, thuộc điểm cao 339, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những chứng tích lịch sử rõ nét về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

VietnamPlusVietnamPlus16/02/2025

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)

46 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn - vùng đất biên cương của Tổ quốc đã "hồi sinh," sầm uất, nhộn nhịp hơn xưa.

Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt-Trung phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Đồng Đăng của Lạng Sơn (Việt Nam) và Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) diễn ra sôi động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân hai bên.

Chứng tích lịch sử

Đồng Đăng là thị trấn biên giới có 3,916km đường biên tiếp giáp với Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc); có Ga quốc tế Đồng Đăng và Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Diện tích tự nhiên hơn 459ha, chia thành 7 khu phố.

Đồng Đăng giữ vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của tỉnh Lạng Sơn và cả nước.

Theo những tư liệu lịch sử được ghi lại trong cuốn lịch sử Đảng bộ thị trấn Đồng Đăng, nơi đây là một trong những địa điểm mở màn cuộc chiến tranh biên giới vào phía Bắc 17/2/1979. Cuộc chiến đã gây thiệt hại nặng nề cho thị trấn Đồng Đăng nói riêng và khu vực biên giới phía Bắc nói chung.

Hiện, tại Pháo đài Đồng Đăng, thuộc điểm cao 339, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc vẫn còn những chứng tích lịch sử rõ nét về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân thị trấn nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung. Tại đây, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giữ vững trận địa trọng yếu này.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua song những dấu tích về cuộc chiến tranh 1979 tại pháo đài Đồng Đăng vẫn còn gần như nguyên vẹn. Nhiều cán bộ chiến sỹ quân và dân ta đã mãi mãi nằm lại tại đây. Pháo đài đã thành khúc tráng ca, tượng trưng cho tinh thần bất khuất, anh dũng của quân và dân xứ Lạng trong cuộc chiến chống quân xâm lược.

Hình ảnh người chiến sỹ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn, rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát) 

Giờ đây, xen giữa những khối bê tông lớn đổ ngổn ngang, nhiều loài hoa đã nở, tỏa hương thơm ngát. Cây cỏ đã xanh trên các lối đi lên pháo đài như phần nào xoa dịu đi nỗi đau của những người có thân nhân còn nằm lại đây...

Bà Vy Thị Bích Kỳ (sinh năm 1964), nhà cách pháo đài Đồng Đăng khoảng 100 mét chia sẻ: “Tôi tham gia Tổ quản lý bảo vệ pháo đài Đồng Đăng với mong muốn góp sức mình giữ gìn di tích lịch sử quốc gia này; tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ, người dân Đồng Đăng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại đây."

Điểm đến hấp dẫn du khách

Khoảng năm 1989, tức 10 năm sau cuộc chiến, được sự đầu tư, quan tâm của Trung ương, địa phương và nhân dân, thị trấn Đồng Đăng từng bước được xây dựng lại, người dân quay trở về nhà. Cơ sở hạ tầng dần dần được đầu tư, xây dựng, hoàn thiện và phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa.

Về thị trấn vùng biên hôm nay có thể cảm nhận rõ những đổi thay trên những con đường, khu phố. Phóng mắt từ pháo đài Đồng Đăng nhìn xuống, thị trấn nhỏ này như một bức tranh phong cảnh hữu tình tuyệt đẹp.

Những ngôi nhà cao tầng trong các khu phố, trên những triền đồi xen lẫn những cây đào đang bung nở trong tiết Xuân. Đường phố rực đỏ cờ hoa. Nhà hàng, quán ăn, các điểm vui chơi, mua sắm mọc lên ngày càng nhiều. Các khu chợ, trung tâm thương mại mua bán cả ngày lẫn đêm, tạo không khí nhộn nhịp, hối hả, thu hút khách du lịch gần xa...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Đồng Đăng Sái Vĩnh Chung thông tin với ví trí thuận lợi là thị trấn biên giới cửa khẩu, có các tuyến giao thông huyết mạch như: Đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn, Quốc lộ 1A, 1B, Quốc lộ 4A chạy qua, hiện nay, trên địa bàn có 3 dự án trọng điểm quan trọng đi qua là: Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, dự kiến sẽ thông tuyến trong năm 2025; dự án mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng mốc 1119-1120 Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Dự án cải tạo Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng.

Công chức Chi cục Hải quan Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng kiểm tra mã kẹp chì hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN) 

Các dự án này hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội phát triển, bứt phá cho địa phương, nhất là trong hoạt động giao thương hàng hóa, phát triển dịch vụ, thương mại.

Cùng với đó, thị trấn Đồng Đăng còn có tiềm năng phát triển du lịch biên giới, tham quan cửa khẩu; du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử với đền Mẫu Đồng Đăng, Pháo đài Đồng Đăng... nổi tiếng khắp cả nước và nằm trong hành trình, điểm đến của tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn...

Nhờ tranh thủ được các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thị trấn Đồng Đăng đã tăng tốc phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa xã hội, vững về quốc phòng, an ninh. Hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch có bước phát triển.

Năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch. Ước tính có hơn 70.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến du lịch, tham quan tại Đồng Đăng. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 50-55 triệu đồng/người/năm.

Bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, thị trấn tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ và du lịch; thu hút thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, chế biến, logistics... Thương mại-dịch vụ chiếm 90 - 91% cơ cấu kinh tế năm 2025.

Địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, hình thành các điểm đến, tuyến du lịch kết nối các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của Đồng Đăng với các địa phương khác của tỉnh để gia tăng việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân; xây dựng Đồng Đăng thành điểm đến hấp dẫn với du khách../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/46-nam-sau-cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-vung-dat-bien-cuong-hoi-sinh-post1012592.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn
Việt Nam tham gia Diễn tập Hải quân đa phương Komodo 2025

No videos available