Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024 ước đạt 66,4 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lưu lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình đạt 1.300 xe/ngày
Ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – cho biết, với sự chủ động, quyết tâm của tỉnh Lạng Sơn trong phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, cùng sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Công Thương, sự phối hợp của các cơ quan tương ứng phía Quảng Tây (Trung Quốc) và sự ủng hộ, đồng hành của các doanh nghiệp, xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh luôn được duy trì và ngày càng phát triển, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.
Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (Ảnh minh họa) |
Kết quả từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt và rất sôi động. Nông sản, trái cây xuất khẩu luôn được tạo điều kiện, điều tiết kịp thời vào các bến bãi, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ, ảnh hưởng tới hàng hóa và doanh nghiệp.
Lưu lượng phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu trung bình đạt 1.300 xe/ngày, tăng 18,2% so với năm 2023 (cao điểm đạt gần 1.600 xe/ngày), trong đó, khoảng 450 xe xuất (xe nông sản chiếm trên 75%), xe nhập khẩu đạt 850 xe.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 66,4 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả đó đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với đánh giá là đạt, vượt 15/18 chỉ tiêu đề ra của năm 2024.
Năm 2024 cấp đạt trên 50.300 C/O
Những năm qua, kinh tế cửa khẩu luôn được Lạng Sơn xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò động lực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tỉnh đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông – lâm – thủy sản thế mạnh của Việt Nam. Trong 20 năm qua, Lạng Sơn đã cấp trên 1.754.000 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), trung bình hàng năm cấp từ 30.000 – 50.000 C/O, chủ yếu là Form E hàng nông sản với thị trường Trung Quốc, riêng năm 2024 cấp đạt trên 50.300 C/O.
Năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung khởi công và phối hợp triển khai các tuyến đường giao thông như: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng, tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu trung chuyển hàng hóa; dự án cải tạo Ga đường sắt Đồng Đăng, quy hoạch kết nối với các khu vực dịch vụ logistics quan trọng, phát huy hiệu quả tính chất liên vận quốc tế…; dự án Cảng cạn Lạng Sơn nằm trong Tổ hợp Khu phi thuế quan và trung tâm kho bãi lưu trữ hàng hóa quốc tế…
Đây đều là những dự án lớn, phục vụ hiệu quả nhu cầu dịch vụ logistics của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong công tác quản lý xuất nhập khẩu thông qua Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn, giúp tiếp nhận và xử lý thông tin công khai, nhanh chóng, từ đó kịp thời điều tiết các phương tiện, tăng hiệu suất thông quan.
Ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024 tổ chức tại Lạng Sơn chiều 27/12 |
Ông Đoàn Thanh Sơn cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan.
Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước với việc xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu độc lập, khép kín, tách biệt với tuyến vận chuyển truyền thống hiện nay. Mô hình này sẽ kết nối đồng bộ hạ tầng, cơ sở dữ liệu giữa hai nước, áp dụng vận chuyển không tiếp xúc, không gián đoạn với công nghệ không người lái trên tuyến cố định, cẩu container tự động hóa dựa trên định vị vệ tinh và 5G.
Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được kỳ vọng hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu với mục tiêu: phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan gấp 2 – 3 lần so với thời điểm hiện nay. Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan gấp 4 – 5 lần so với thời điểm hiện nay.
Ngày 14/11/2024 vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký Bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh, thể hiện sự phối hợp tích cực giữa chính quyền hai bên trong công tác trao đổi, nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh.
Cùng với đó, tỉnh đã tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nói chung, trong đó có nông lâm thủy sản, trong quá trình tiếp cận và triển khai các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh; tỉnh luôn sát sao chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu thường xuyên trao đổi, hội đàm với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc để tạo điều kiện tối đa trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt trong các thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu nông sản tại các cửa khẩu tăng đột biến như trao đổi thống nhất tăng thời gian làm việc trong ngày, làm ngày nghỉ, ngày lễ kịp thời giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp, không để tồn đọng, ùn ứ hàng hóa.
Ông Đoàn Thanh Sơn khẳng định, trong hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, thân thiện; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương trong nước để kịp thời triển khai công tác quản lý chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ tỉnh về cơ chế, chính sách, nguồn lực trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, đặc biệt là hỗ trợ tỉnh triển khai thành công Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm phát huy lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh.
Tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu. Đồng thời, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế. |
Nguồn: https://congthuong.vn/lang-son-nam-2024-xuat-nhap-khau-tang-truong-276-366931.html